* CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN

Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận xin gởi đến quí Cha, quí Gia đình trong Giáo phận  bản “CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN” tóm tắt những điều căn bản của Bộ Giáo luật 1983 cũng như Giáo lý Giáo Hội Công GiáoKính mong mỗi người Kitô hữu nghiên cứu thêm và tuân thủ những điều cơ bản này để Sống đạo và Loan Báo Tin Mừng trong Năm Tân Phúc Âm Hóa Giáo xứ, buôn làng và cộng đoàn năm 2015 này. 
GPKONTUM (08/01/2015) KONTUM
XIN KÍNH MỜI 
CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN

Trước những thay đổi lớn và nhanh chóng của thế giới về các lĩnh vực như: khoa học kỹ thuật, y khoa, xã hội, chính trị… đã và đang ảnh hưởng nhiều mặt: tích cực cũng như tiêu cực đến đời sống gia đình, nền luân lý cũng như lòng tin của con người thời đại, nhất là giới trẻ. Đứng trước những thay đổi đó các vị mục tử của Giáo phận cũng như Giáo xứ hết sức lo âu và trăn trở.
Trước nhất và hơn ai hết Đức Giám mục Giáo phận chia sẻ gánh nặng mục vụ với các Linh mục bằng cách nâng đỡ, hướng dẫn, vạch đường hướng mục vụ thiết thực cho toàn Giáo Phận, để mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận vững bước giữa thời đại mà lương tâm con người phần đa bị sai lầm, công lý bị chà đạp, vật chất đã trở thành thần tượng, luân lý bị khinh thường, chủ nghĩa cá nhân thống trị và tình trạng gia đình bị phân hóa.
Mặc khác từ Công đồng Vaticanô II đến nay, có nhiều văn kiện giáo huấn của Giáo Hội, của Hội đồng Giám Mục vùng Á Châu và của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chưa kể đến Giáo luật mới đã ban hành cách đây không lâu (1983). Số lượng văn kiện giáo huấn dành cho giáo dân đa dạng về nội dung, nhưng chưa có một quy chế cụ thể. Chính vì thế nên cần có một CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN là bản tóm lược về nghĩa vụ người công giáo đối với Giáo hội, xã hội để mọi sinh hoạt trong xứ đạo được rõ ràng và quy củ hơn.
Từ năm 1975 đến nay, các Giáo phận sử dụng CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN được soạn thảo vào cuối thập niêm 60 đầu thập niêm 70. Thiết nghĩ, Hội Đồng Giám mục Việt Nam nên soạn thảo một Cẩm Nang chung cho người tín hữu trong hiện tình xã hội ngày nay. Trong khi chờ đợi, chúng tôi ghi lại một số điều khoản của CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN có trước năm 1975 của các giáo phận vẫn còn giá trị và cố gắng ghi tóm lược những khả thể về giáo huấn, cũng như giáo luật hiện hành cần thiết cho công việc mục vụ trong giáo phận truyền giáo chúng ta. Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, “CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN” không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Trong khi chờ đợi tiếng nói tối hậu của Giáo quyền, chúng tôi ước mong sẽ được chỉ giáo và ngày càng cập nhật đầy đủ cho “CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN” này.
Chúng tôi xin chia CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN này ngoài phần lời nói đầu, gồm 4 phần chính trong 2 TẬP sau đây:
Tập I
Phần 1: Khái niệm tổng quát
Phần 2: Đời sống phụng vụ
Tập II
Phần 3: Đời sống gia đình, Giáo xứ, Giáo Phận, Giáo Hội
Phần 4: Đời sống văn hóa, xã hội, nhiệm vụ công dân
LỜI MỞ ĐẦU
Mỗi đoàn thể, tổ chức xã hội, ngay cả các câu lạc bộ thể thao cũng có những THỂ LỆ, ĐƯỜNG HƯỚNG như Kim Chỉ Nam cho các hội viên. Do đó, người giáo dân được Chúa Thánh Thần hướng dẫn qua Lời Chúa, các Bí tích cũng như các thường huấn của Giáo Hội, một cách cụ thể cần có CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN hướng dẫn mình trong việc sống đạo, hành đạo và Phúc âm hóa lãnh vực trần thế là căn tính của Bí tích rửa tội.
“CẨM NANG NGƯỜI GIÁO DÂN” này được soạn thảo dựa trên:
- Hiến chế, tuyên ngôn và sắc lệnh của Công đồng Vat.II,
- Thông điệp, sứ điệp của các Giáo hoàng.
- Bộ giáo luật hiện hành;
- Phong tục của Giáo Hội và dân tộc Việt Nam.
- Luật của Giáo Phận;
- Ý kiến của Hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ và hội đồng giáo dân.
Chúng tôi mong ước Cẩm Nang Người Giáo Dân như sách gối đầu cho gia đình, từng cá nhân và cho từng giới trong Giáo phận để học hỏi, tra cứu cũng như để sống đạo giữa lòng dân tộc Việt Nam hôm nay.
Tập I
Phần I: KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT
CHƯƠNG 1: QUY TẮC CHUNG
1. Định nghĩa:
Giáo dân là người tín hữu không có chức thánh, không thuộc bậc tu trì, được xác nhập vào Chúa Kitô bởi phép Rửa tội, đã trở thành dân Thiên Chúa với mọi quyền lợi và nghĩa vụ theo địa vị của mình trong Giáo Hội (H.T 31; x.GL Điều 96)
2. Phân hạng
1/ Cách tính tuổi của các thế nhân
Cách tính tuổi theo giáo luật: được kể là một tuổi, tính từ ngày sinh ra cho “đến hết ngày” cùng ngày với ngày sinh ấy một năm sau. Giáo luật không chấp nhận thói quen của người Việt Nam tính thêm 1 tuổi vào đầu năm Âm lich.
2/ Giáo dân đủ 18 tuổi trọn gọi là “thành niên” (cũng thường gọi là người trưởng thành)”, dưới tuổi ấy gọi là “vị thành niên” (điều 97 § 1). Người thành niên được sử dụng hoàn toàn các quyền lợi của mình (điều 98 §1). Người vị thành niên phải ở dưới quyền cha mẹ hoặc người giám hộ, ngoại trừ những quyền lợi mà thiên luật hay giáo hội miễn trừ cho họ khỏi quyền cha mẹ (điều 111).
3/ Bộ Giáo luật hiện hành không giữ khái niệm về tuổi dậy thì.
Khi chưa đủ 7 tuổi, vị thành niên được gọi là “nhi đồng” (và kể như chưa có trí khôn, chưa tự chủ mình) khi đủ 7 tuổi rồi được gọi là tuổi khôn, đã biết sử dụng lý trí (điều 97 §2) nhi đồng không buộc phải giữ luật Hội thánh (điều 11).
3. Quê quán
1/ “Một người được coi là thường trú tại nơi mà họ có gia cư; tạm trú tại nơi họ có bán gia cư” người qua đường nếu họ ở ngoài gia cư và bán gia cư, tuy vẫn còn duy trì chúng; vô gia cư nếu không có gia cư và bán gia cư ở nơi nào hết” (điều 100; x, 102, §2 §3)
2/ “§ 1. Gia cư được thủ đắc do việc trú ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là trong một lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó vĩnh viễn nếu không có gì ngăn trở hoặc việc cư trú đã kéo dài được 5 năm tròn.
§ 2. Bán gia cư được đắc thủ do việc trú ngụ không lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là trong một lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại 3 tháng, nếu không có gì ngăn trở, hoặc việc trú ngụ thực sự kéo dài trong 3 tháng”. (x, 102)
3/ “Do gia cư và bán gia cư mà một người tín hữu có cha sở và bản quyền riêng; cha sở và bản quyền riêng của người vô gia cư là cha sở và bản quyền tại nơi mà người ấy đang trú ngụ. Cha sở riêng của người nào chỉ có gia cư và bán gia cư thuộc giáo phận là cha sở tại nơi mà người ấy hiện đang trú ngụ”. (điều 107).
4/ Nguyên quán của người con, dầu là con của người tân tòng là nơi khi đứa trẻ sinh ra cha mẹ đang có gia cư hay bán gia cư; nếu cha mẹ không có chung gia cư hay bán gia cư thì lấy nơi của người mẹ. Nếu là người con của người vô gia cư thì nguyên quán chính là nơi đã được sinh ra; nếu đứa trẻ bị bỏ rơi thì nguyên quán là nơi nó đã được tìm thấy. (x 101).
4. Phẩm chức
1/ Tháp nhập vào Chúa Kitô bởi phép Rửa tội, trở thành dân Chúa, giáo dân được tham dự theo thể thức riêng của mình, vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô. Họ hiện thực sứ mạng của toàn thể dân Chúa trong Hội thánh và trong trần gian theo phận vụ riêng của mình (x. H.T số 31; x. GLHTCG số 1268).
2/ Tham dự chức tư tế, người giáo dân tiếp tục công việc làm chứng và phục vụ của Chúa Kitô để thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa hiệp với Thánh Lễ.
Tham dự chức tiên tri, người giáo dân loan báo Chúa Kitô bằng chứng tá đời sống và bằng ngôn ngữ.
Tham dự chức vương đế, người giáo dân hành động để ánh sáng cứu rỗi Chúa Kitô thấm nhuần và nâng cao giá trị của mọi thực tại trần thế.
5. Lời mời gọi nên thánh
“Chúng con hãy nên trọn lành như Cha chúng con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48), như Chúa Giêsu đã nói và làm gương cho chúng ta con đường hiến dâng đời sống “Đạo Hiếu” với Cha là con đường nên thánh.
6. Sứ mạng
Tính cách trần thế là đặc tính của giáo dân: Nhờ đời sống theo Tin Mừng, họ thánh hóa thế giới từ bên trong và tỏ bày cho những người khác trong cùng môi trường xã hội, nghề nghiệp … tìm hạnh phúc đích thực, sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Đức Giêsu Kitô. (x. HT số 31) (x. Ga 17,3).
Như thế, sự thánh thiện của dân Chúa sẽ thấy nảy sinh ra hoa trái tràn đầy bằng công cuộc truyền giáo, như lịch sử Giáo hội đã chứng tỏ cách huy hoàng qua cuộc đời của các thánh (x. HT số 40).
CHƯƠNG II: TỔ CHỨC GIÁO XỨ
7. Thành Lập:
1/ Giáo xứ là một cộng đoàn phân định các tín hữu, được thiết lập cách bền vững trong một Giáo hội địa phương, và việc mục vụ được trao cho một Cha sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền Đức Giám Mục. (x. Điều 515 §1)
2/ Giáo xứ tòng thổ, giáo xứ tòng nhân:
Theo luật chung, giáo xứ phải có tính cách tòng thổ, nghĩa là gồm tất cả các tín hữu thuộc địa sở nhất định; tuy nhiên, ở đâu thấy thuận lợi cũng có thể thiết lập các giáo xứ tòng nhân vì lý do lễ điển, ngôn ngữ, quốc tịch của các tín hữu thuộc về một lãnh thổ và kể cả một lý do nào khác (Điều 518). Cũng có giáo xứ tòng nhân là giáo xứ không có lãnh thổ riêng, giáo xứ được cấu thành do một số người nào đó được quy định theo luật vì lý do ngôn ngữ, lễ điển hay chủng tộc… (Điều 382, §2).
3/ Vì thế, chúng ta thấy giáo xứ cũng là đơn vị tôn giáo, nên tính cách tổ chức hành chánh thường được hình thành với những điều kiện sau đây:
+ Có nghị định thiết lập của Đấng Bản Quyền;
+ Có lãnh thổ phân biệt với các giáo xứ khác;
+ Có một số giáo dân và tài sản tương xứng với việc thiết lập;
+ Có một số vị linh mục lãnh đạo do đấng Bản quyền chỉ định và bổ nhiệm.
8. Tài sản:
1/ Mỗi giáo xứ phải liệu cho có cơ sở chung cần thiết như thánh đường, nhà xứ, nhà hội, nghĩa trang…
2/ Mỗi giáo xứ cần phải gây dựng một ngân sách chung thường xuyên hoặc động sản hay bất động sản để lo lắng cho linh mục chánh xứ và các cộng sự viên. Thường Ban chức việc quản trị loại ngân sách nầy theo quy chế Ban Chức Việc.
9. Nhân sự
1/ Đơn vi giáo xứ là gia đình.
2/ Nhiều gia đình trong một khu vực gọi là (khu) xóm giáo, xó Ban Chức Việc (khu) xóm giáo. Nếu khu vực đó cách xa với họ chính được gọi là giáo họ, có Ban chức việc.
3/ Nhiều xóm giáo và giáo họ họp thành giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của linh mục chánh xứ.
4/ Nhiều giáo xứ họp thành giáo hạt, có Hội đồng giáo hạt dưới sự hướng dẫn của Cha hạt trưởng.
5/ Tất cả các giáo hạt họp thành hội đồng giáo dân giáo phận có đại diện mục vụ.
10. Sổ bộ
1/ Ngoài những sổ bộ của Linh mục chánh xứ do Giáo luật quy định, mỗi giáo xứ phải lập một văn khố để lưu trữ sổ danh bộ, tài chính, cũng như quyển niên giám ghi chép hàng ngày.
2/ Mỗi gia đình công giáo phải có một quyển sổ gia đình công giáo ghi chép tình trạng nơi cư trú, nhân số, bí tích có con dấu và nhận thực của giáo quyền, phải xuất trình mỗi khi cần thiết.
11. Nhập tịch, xuất tịch
1/ Trừ những trường hợp bất khả kháng và khi thời gian chưa cho phép, mỗi gia đình công giáo nhất thiết phải thuộc về một giáo xứ.
2/ Giáo dân xứ nầy muốn nhập tịch xứ kia, thông qua trước cho Ban chức việc và cho biết lý do, phải đệ đơn lên linh mục chính xứ và xuất trình giấy xuất tịch khỏi xứ mình ở trước để tránh trường hợp một gia đình thuộc hai ba xứ hay không thuộc xứ nào.
12. Quyền lợi và nhiệm vụ
1/ Giáo dân thuộc giáo xứ nào đương nhiên được hưởng mọi quyền lợi trần thế và thiêng liêng trong giáo xứ đó, trừ khi bị khai trừ hay huyền chỉ do hình phạt.
2/ Giáo dân thuộc giáo xứ nào đương nhiên phải thi hành nhiệm vụ trần thế và thiêng liêng đã quy định do luật chung hoặc quy luật của giáo xứ đó, kể cả thời gian quyền lợi bị đình chỉ.
13. Đoàn ngũ hóa
1/ Để dễ dàng điều hành công việc chung, để việc học hỏi giáo lý, huấn luyện phận vụ chuyên môn, trong mỗi giáo xứ cần sinh hoạt theo đoàn thể, nhất là theo giới thích hợp cho mỗi tín hữu để làm việc tông đồ giáo dân.
2/ Hội họp theo định kỳ theo quy chế của Ban chức việc hoặc bất thường. Trong mỗi lần họp đều có sự chấp thuận của cha chánh xứ và nội dung cần trình cho ngài trước khi họp và sau khi bàn thảo, cần được báo cáo lại cho Ngài biết để quyết định.
CHƯƠNG III: CÁC QUYỀN CỦA GIÁO DÂN
14. Quyền của người giáo dân
Nếu được giới thiệu hợp lệ và hội đủ điều kiện cư trú theo số 11, giáo dân có quyền cư ngụ ở bất cứ một giáo xứ nào hợp ý muốn và hoàn cảnh sinh sống của mình.
15. Quyền làm cha làm mẹ
“Các cha mẹ, vì truyền thụ sự sống cho con cái, nên có nghĩa vụ rất nghiêm trọng và quyền lợi giáo dục chúng. Vì thế trách nhiệm đầu tiên của các cha mẹ Kitô giáo là lo bảo đảm sự giáo dục Kitô giáo cho con cái hợp với giáo huấn của Giáo Hội” (Điều 226).
16. Quyền ngôn luận
“Các giáo dân có quyền được nhìn nhận sự tự do dành cho mọi công dân trong lãnh vực trần thế. Nhưng khi xử dụng quyền tự do nầy, họ phải lo sao cho mọi hành động của họ được thấm nhập bằng tinh thần Phúc âm, và họ phải để ý đến đạo lý do quyền giáo huấn của Giáo hội đề ra, tuy phải tránh trình bày ý kiến riêng của mình trong vấn đề còn được tranh luận như là giáo huấn của Giáo hội” (Điều 227).
17. Quyền được tham dự những chức vụ trong Giáo hội.
Quyền được mời gọi và tham gia vào những chức vụ trong Giáo hội (x. Điều 228; điều 230).
18. Quyền ứng cử và bầu cử
Khi đã chính thức thuộc về một giáo xứ, đương nhiên giáo dân có quyền ứng cử Ban chức việc giáo xứ, các đoàn thể. Riêng Ban chức việc giáo xứ phải cư ngụ ít là một năm mới được ứng cử.
19. Hội đoàn trong Giáo hội
Hội đoàn trong Giáo hội vẫn là Hiệp hội tư. Không một Hội đoàn tư nào được thừa nhận trong Giáo hội, nếu nội quy của Hội đoàn đó không được duyệt y do nhà chức trách có thẩm quyền (x. Điều 299)
“Không một Hội đoàn nào được mang danh là Công giáo nếu không được sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội, chiếu theo điều 321” (Điều 300)
20. Quyền được hưởng các tài sản chung
Giáo dân trong giáo xứ có quyền hưởng các tài sản chung của Giáo xứ như: Thánh đường, nhà xứ, Hội quán, nghĩa trang.
21. Quyền được tưởng thưởng
Giáo dân có công trạng đặc biệt như hy sinh vì Giáo hội, xuất sắc, gương mẫu, thâm niên trong việc tông đồ, công đức lớn lao cho Giáo hội, sẽ được linh mục chánh xứ ghi công trạng, và danh tánh để xin Đức Giám Mục Giáo Phận tưởng thưởng xứng đáng.
22. Quyền thiêng liêng
Khi sống, giáo dân được thụ hưởng kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là được nghe rao giảng Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích, lời cầu nguyện của cộng đồng tín hữu, nhất là thánh lễ hằng ngày, đặc biệt thánh lễ cầu cho giáo dân.
Khi chết, giáo dân được cộng đoàn giáo xứ cầu hồn và mai táng trong nghĩa trang. Hằng năm được linh mục chánh xứ dâng lễ cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ đã qua đời.
CHƯƠNG IV: NHIỆM VỤ CỦA GIÁO DÂN
23. Đối với Thiên Chúa
1/ Thờ phượng Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là chủ tể vũ trụ, nên nhiệm vụ cao cả và thánh thiện nhất của người giáo dân là thờ phượng và phụng sự mình Người.
2/ Sống theo ý Chúa: Giáo dân phải nhận biết và tuân phục quyền bính của Người, nghĩa là làm mọi việc theo thánh ý Người: tuân giữ giới răn của Chúa và Hội thánh Người với tất cả tâm hồn của người con thảo.
3/ Đời sống nội tâm. Người giáo dân kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, tham dự các Bí tích cách linh động, nhất là bí tích Thánh Thể.
4/ Sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến để làm vinh danh Thiên Chúa, mưu ích phần rỗi cho đồng loại và bản thân mình.
24. Đối với Chúa Kitô
“Sự sống đời đời là nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật và nhận biết Đấng Cha đã sai đến trần gian là Đức Giêsu Kitô, Con Một của Chúa” (Ga 17,3). Chính vì thế, cần luôn bắt chước các nhân đức của Đức Kitô và sống kết hợp mật thiết với Người bằng con đường yêu thương, hy sinh thập giá.
25. Đối với Đức Maria và Thánh Giuse.
Mọi người có lòng tôn kính đặc biệt xứng với phẩm chức của các Ngài. Nhất là người giáo dân noi gương đời sống nhân đức của các Ngài và thánh hóa gia đình mình theo mẫu gương thánh gia thất. Trong tháng Đức Mẹ, tháng Mân côi và tháng thánh Giuse, mỗi giáo xứ nên tổ chức các buổi cầu nguyện, chấn hưng đời sống đạo đức gia đình, cổ võ giới các bà mẹ công giáo theo gương Đức Mẹ, và giới gia trưởng chọn thánh Giuse làm quan thầy.
26. Thánh hóa bản thân
Sống theo lương tâm ngay thẳng, tinh thần Tin Mừng, bằng đời sống cầu nguyện và Lời Chúa, người giáo dân siêng năng lãnh bí tích Hòa giảo và tham dự Thánh lễ để vượt thắng những thử thách trong đời sống, đồng thời trở nên chứng nhân Tin Mừng Chúa Kitô trong môi trường trần thế.
27. Đối với tha nhân:
1/ Nhiệm vụ tông đồ giáo dân
“Xét vì các giáo dân cũng như mọi tín hữu được Thiên Chúa ủy thác làm việc tông đồ do Phép Rửa tội và Phép Thêm sức, nên họ có nghĩa vụ tổng quát và có quyền lợi từng cá nhân hoặc kết hợp thành hiệp hội, phải làm sao để sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa được mọi người khắp thế giới biết đến và đón nhận. Nghĩa vụ nầy càng thôi thúc hơn trong những hoàn cảnh mà chỉ có thể nhờ các giáo dân, người ta mới có thể nghe theo Phúc âm và biết Đức Kitô.
2/ Làm chứng cho Đức Kitô trong môi trường trần thế.
Tùy theo điều kiện riêng của từng người, các giáo dân cũng có bổn phận phải làm thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc âm; và như vậy, họ làm chứng cho Đức Kitô, đặc biệt khi điều hành các sự việc trần thế cũng như lúc thi hành các chức vụ đời” (Điều 225).
PHẦN II: ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ
CHƯƠNG I: PHỤNG VỤ VÀ THÁNH LỄ
28. Ý nghĩa Phụng vụ
Phụng vụ là tất cả những lễ nghi cử chỉ bề ngoài có tính cách công cộng. Hội thánh cử hành để tôn thờ Chúa và thánh hóa loài người. Trong Phụng vụ Chúa Kitô, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện bên Giáo hội của Người, nhất là trong những động tác Phụng vụ: Thánh lễ, các Bí tích, Lời Chúa, hát Thánh Vịnh. Phụng vụ đáng được xem là thi hành chức vụ tư tế của Chúa Kitô, trong đó việc thánh hóa loài người được biểu thị bằng đức tin và Phép rửa, trở thành con Thiên Chúa được quy tụ với nhau để ca tụng Chúa trong Hội Thánh, dự phần tế lễ và ăn tiệc của Chúa (P.V.số7)
29. Thánh lễ
1/ Tất cả tâm tình của giáo dân: Thờ phượng, cảm tạ, thống hối và cầu khẩn, được bày tỏ một cách hoàn toàn tột độ trong Thánh Lễ, trung tâm Phụng vụ của Giáo hội.
2/ Giáo dân khi tham dự mầu nhiệm đức tin nầy đừng như kháng giả ngoài cuộc, hoặc câm lặng, nhưng phải sống mầu nhiệm đó qua các nghi lễ và các kinh nguyện một cách ý thức, sốt sắng, linh động (x.P.V. số 48).
3/ Khi dự lễ, giáo dân phải cẩn trọng ăn mặc kín đáo, nết na xứng đáng theo lối sống tế nhị của Á Đông, đồng thời tham dự đúng giờ, đầy đủ các phần, thưa đáp và hát lễ tập thể sốt sắng, thâm trầm.
30. Dự lễ ngày Chúa nhật.
1/ Theo ý nghĩa truyền thống, Giáo hội mừng Mầu nhiệm Chúa Vượt qua, nghĩa là việc phục sinh của Chúa Kitô vào ngày Chúa nhật. Bởi thế, ngày Chúa nhật là ngày lễ nguyên khởi, phải được rao giảng và in sâu vào lòng đức tin của tín hữu để trở nên ngày vui mừng và nghỉ việc. (P.V số 106; GLHTCG từ số 2175 đến 2186).
2/ Giáo dân từ sau khi rước lễ lần đầu buộc phải giữ luật dự lễ và kiêng việc xác các ngày Chúa nhật và lễ Giáng Sinh. Ai trễ nải khinh thường bỏ lễ Chúa nhật thì phạm tội trọng. Dự lễ cần chu tất hai phần của Thánh lễ: Phụng vụ lời và Phụng vụ Thánh Thể. Hai phần đều quan trọng, ai cố ý bỏ thiếu một phần, phải kể như không giữ luật dự lễ.
3/ Được chuẩn khỏi dự lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc: nhưng người đau ốm, coi nhà, mắc con dại, ở xa nhà thờ và gặp trường hợp bất khả kháng. Trong các họ nhánh xa nhà thờ có linh mục hoặc khi linh mục vắng, giáo dân tụ tập tại nhà thờ cử hành Phụng vụ Lời Chúa như thể lệ được ấn định. (P.V số 35).
4/ Giáo xứ quan hệ, vì đại diện một phần nào Giáo hội hữu hình, Công đồng khuyên giáo dân tham dự Thánh lễ Chúa nhật tại giáo xứ mình để làm cho ý nghĩa cộng đồng của giáo xứ được nảy nở (P.V.42)
5/ Ngoài ra, ngày Chúa nhật là ngày dành cho giới thanh thiếu niên học hỏi và sống Lời Chúa, cũng như sinh hoạt các hội đoàn, nhất là để nghỉ ngơi về thể lý, hun đúc tình cảm và trách nhiệm gia đình, cũng như sống các tương giao đời sống thôn xóm và giáo xứ.
31. Kiêng việc xác
1/ Luật kiêng việc xác ngày Chúa nhật và lễ buộc nhằm để cho giáo dân nghỉ ngơi phần xác, bớt nhọc mệt lao tổn tinh thần, rảnh rang có thời giờ chăm lo sống tình cảm gia đình, trách nhiệm đối với con cái cũng như lo việc phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng nếu trường hợp túng thiếu quá, làm ngày nào ăn ngày ấy, thì phải xin linh mục chuẩn chước cho làm việc xác ngày Chúa nhật và ngày lễ buộc.
2/ Ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu tránh lao động và các sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, việc hưởng niềm vui trong ngày của Chúa, việc bác ái và tịnh dưỡng thể xác cũng như tinh thần. Luật giữ ngày Chúa nhật có thể được miễn chuẩn, khi có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng. Nhưng tín hữu cũng phải coi chừng, đừng để những miễn chuẩn nầy dẫn đến thói quen thờ ơ với việc thờ phượng, với cuộc sống gia đình và sức khỏe của mình”. (GLHTCG số 2185; x. số 2186)
3/ Nói rằng chuẩn việc xác, chứ không được chuẩn dự lễ.
32. Việc xin lễ.
1/ Thánh lễ là trung tâm Phụng vụ và là cách thờ phượng Chúa tuyệt hảo, nên việc xin lễ là một việc cần thiết và hữu ích. Xin lễ là xin Chúa, vì công nghiệp vô cùng của Chúa Kitô ban phúc lành hoặc tha bớt hình phạt cho người nào theo ý người xin như xin cho ông bà cha mẹ đã qua đời, hoặc sắp chết, cho ân nhân … Còn người xin lễ cũng được nhờ ơn ích bởi Thánh lễ. 
2/ Nên nhớ Thánh lễ vô giá không thể dùng tiền bạc để mua được. Số tiền giáo dân xin lễ làm sắm sửa đèn nến, bánh lễ, và nuôi dưỡng linh mục cũng như những người giúp việc bàn thờ, lo việc từ thiện bác ái… Vì thế, khi xin lễ người giáo dân tìm lợi ích thiêng liêng chứ đừng chú trọng hình thức bên ngoài.
33. Kinh tối sáng
1/ Kinh tối sáng vốn không phải là Phụng vụ, nhưng là một tập quán đạo đức thờ phượng Chúa không thể bỏ mà không nguy hiểm cho phần rỗi, nhất là để giáo dục lòng tin cho con cái. Vì thế, giáo dân cần đọc kinh sáng tối chung trong gia đình, nhất là khi không đến nhà thờ được.
2/ Kinh sáng tối đọc kinh chung trong gia đình được Chúa đặc biệt chúc lành như lời Chúa phán: “khi có hai ba người họp nhau cầu nguyện, thì có Ta hiện diện giữa họ”. Vì thế đừng để gia đình vắng lời nguyện cầu với Chúa.
CHƯƠNG II: NÓI CHUNG VỀ CÁC BÍ TÍCH VÀ Á BÍ TÍCH
34. Quy tắc chung:
1/ Các Bí tích nhằm mục đích thánh hóa con người, xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng với tư cách là dấu tích, các Bí tích cũng giữ vai trò giáo huấn. Không những Bí tích đòi buộc phải có Đức tin mà còn nuôi dưỡng, củng cố và biểu dương Đức tin, nhờ ngôn ngữ và sự vật. Vốn các Bí tích đã thông ban ơn thánh, mà việc cử hành các Bí tích còn chuẩn bị tâm hồn tín hữu cách hoàn hảo để lãnh nhận Ơn thánh ấy cách hiệu nghiệm để thờ phượng Chúa cho phải phép và thực hành đức Bác ái (P.V số 59).
2/ Chính Chúa Giêsu đã lập các Bí tích, những người làm phép bên ngoài chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Chính Chúa Kitô hành động ban các ân sủng, mà người đã lập nên trong cuộc Tử nạn trên Thánh giá, vì thế giáo dân cần phải:
+ Học hỏi giáo lý về các Bí tích, nhất là khi sắp lãnh nhận một Bí tích nào.
+ Tôn kính các Bí tích cho xứng đáng
+ Chuẩn bị tâm hồn cho sốt sắng mỗi khi nhận một Bí tích hầu được ơn ích dồi dào.
Trừ bí tích rửa tội và giải tội, các Bí tích khác thụ nhân phải sạch tội mới được lãnh nhận.
35. Á Bí tích (Phụ tích).
1/ Giáo hội là Mẹ chúng ta còn thiết lập những Á Bí tích. Đó là những Dấu hiện thánh phỏng theo các Bí tích để tượng trưng và thông ban những hậu quả, nhất là hậu quả thiêng liêng nhờ lời cầu khẩn của Giáo hội. (P.V. số 60).
2/ Có ba loại Á Bí tích:
+ Loại thứ nhất gồm những lễ nghi làm phép trên người, trên đồ dùng.
+ Loại thứ hai gồm những lễ nghi cung hiến người và đồ vật dành riêng cho việc thờ phượng.
+ Loại thứ ba gồm những nghi thứ trừ quỷ.
36. Đối với các Á Bí tích
1/ Các Á Bí tích là những dấu chỉ thánh, phỏng theo phần nào các Bí tích, nhờ đó nhiều hiệu quả, nhất là hiệu quả thiêng liêng được biểu thị và được thông ban do lời cầu khẩn của Giáo hội. (Điều 1166).
2/ Tuy nhiên, trong việc lãnh nhận các Á Bí tích cũng như các Bí tích, giáo dân cần tránh những gì có tính cách trọng hình thức hay mê tín dị đoan, coi trọng Á Bí tích nên cần được chuẩn bị đời sống thiêng liêng đạo đức trước.
3/ Trừ tà.
“Không ai được trừ là cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, nếu không được Bản quyền sở tại ban phép đặc biệt và minh thị. Bản quyền sở tại chỉ được phép nầy cho Linh mục đạo đức, nổi tiếng về học thức và khôn ngoan, cũng có một đời sống vẹn toàn” (Điều 1172)
Cần lưu ý những điểm sua đây:
+ Phải cẩn thận trong việc phán đoán trường hợp nào là trường hợp quỷ ám; không phải bất cứ một hoàn cảnh khác lạ nào cũng liệt kê vào việc quỷ ám.
+ Phải trình với Bản Quyền sở tại để xin ý kiến.
+ Chỉ được phép trừ tà khi đã được Bản quyền minh thị cho phép.
4/ Làm phép nhà ở: Làm phép nhà ở là một việc làm tốt lành và cần thiết, nhưng cần đánh giá đúng ý hướng ngay lành của người xin làm phép nhà, nhất là giáo dục lòng tin người xin làm phép nhà, nhất là giáo dục lòng tin cho họ. Phần chuẩn bị và giáo dục lòng tin cho người lãnh nhận Á Bí tích nầy là mục vụ cần thiết: cần thánh hóa bản thân và đời sống gia đình như xưng tội, mời cộng đoàn đến cầu nguyện chung với gia đình đó, trước khi làm phép nhà. Cho nên tránh việc làm phép nhà như việc thuần túy đuổi tà ma ra khỏi nơi đó để đáp ứng nhu cầu an toàn tâm lý của họ, vì họ cho rằng nơi đó có ám khí, có mồ mả cũ, ma quỷ quấy phá, làm ăn sa sút bệnh tật thường xảy ra…
Thật vậy, các Á Bí tích ngoài ý thức của người thực hiện, còn có sự can thiệp của Giáo Hội, giao hòa ý của người thực hiện với thiện ý của toàn thể Hội thánh, cụ thể là cộng đoàn tín hữu địa phương.
CHƯƠNG III: BÍ TÍCH RỬA TỘI
37. Cần thiết
1/ Giáo hội trình bày rất nhiều về Bí tích Rửa tội như sách “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” trình bày phép Bí tích Rửa tội từ số 1213 đến 1284 về nhiều kía cạnh như ý nghĩa, sự cần thiết, ân sủng… của Bí tích quan trọng nầy cũng như Bộ Giáo luật mới (năm 1983) cũng quy định về Bí tích cần thiết cho sự cứu rỗi từ điều 849 đến điều 878.
2/ Chúa đã thiệt lập Bí tích Rửa tội và sự cần thiết của Bí tích Rửa tội, khi sai các Tông đồ như lệnh truyền: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16)
3/ Bí tích rửa tội là cửa ngõ vào các Bí tích. Sự lãnh nhận Bí tích Rửa tội cách thực sự hay ít ra bằng nguyện ước là điều cần thiết cho phần rỗi. Bí tích rửa tội giải thoát con người khỏi tội lỗi, tái sinh họ làm con Chúa và kết nạp họ vào Giáo hội, biến họ nên giống Chúa Kitô bằng ấn tích không thể xóa nhòa. Bí tích nầy chỉ được ban hữu hiệu bằng việc rửa bằng nước nguyên chất kèm theo việc đọc đúng mô thức”. (Điều 849)
38. Thừa tác viên Bí tích rửa tội.
1/ §1 Thừa tác viên thông thường của Bí tích Rửa tội là Giám mục, Linh mục và Phó tế, miễn là giữ quy định của điều 530, §1.
§2 Khi thừa tác viên thông thường vắng mặt hay bị cản trở, một giáo lý viên được bản quyền trao cho nhiệm vụ Rửa tội sẽ cử hành Bí tích rửa tội cách hợp pháp. Trong trường hợp cần thiết thì bất cứ người nào, với một chủ ý nghiêm chỉnh, cũng có thể cử hành. Các chủ chăn, đặc biệt cha sở, phải lo dạy các tín hữu biết cách rửa tội cho đúng” (Điều 861)
2/ “Ngoại trừ trường hợp cần thiết, không ai được cử hành Bí tích Rửa tội trên lãnh thổ của người khác, dù rằng cho một người thuộc quyền của mình, nếu không có phép hợp lệ” (Điều 862)
3/ “Việc rửa tội cho người lớn – ít ra đã chẵn mười bốn tuổi – nên được trình lên Giám mục giáo phận để chính Ngài đích thân cử hành nếu xét thấy thuận lợi” (Điều 863).
39. Cử hành Bí tích Rửa tội
1/ “Phải ban Bí tích Rửa tội theo đúng nghi thức trong sách Phụng vụ đã được phê chuẩn, trừ khi trong trường hợp nhu cầu khẩn cấp, thì chỉ cần giữ những điều đòi buộc cho Bí tích Rửa tội được hữu hiệu” (Điều 850)
2/ “Việc cử hành Bí tích Rửa tội phải được chuẩn bị thích đáng. Vì vậy:
1o người lớn muốn lãnh nhận Bí tích Rửa tội, phải được nhận vào lớp dự tòng và, tùy mức độ có thể, được hướng dẫn khai tâm Bí tích qua nhiều giai đoạn khác nhau; dựa theo đúng nghi thức khai tâm do Hội đồng Giám mục đã thích nghi cũng như các quy luật riêng do Hội Đồng Giám mục ban hành;
2o cha mẹ của hài nhi sắp được lãnh bí tích Rửa tội, cũng như những người sẽ lãnh trách nhiệm đỡ đầu, phải được giáo huấn đầy đủ về ý nghĩa của Bí tích nầy và về những bổn phận gắn liền với Bí tích. Cha sở, tự mình hay nhờ người khác, phải chăm lo huấn luyện đầy đủ các phụ huynh bằng những bài huấn dụ mục vụ, và kể cả bằng sự cầu nguyện chung, trong lúc hội họp nhiều gia đình và bằng cách đi thăm viếng họ khi nào có thể” (Điều 851).
40. Rửa tội trẻ con
1/ Nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ khi mới sinh con là phải đến Ban Chức việc xóm giáo xin đơn trình lên cha xứ để xin ngày giờ rửa tội cho con cái (N.T.R.T.E 5,1).
“§1 Cha mẹ có bổn phận lo cho con mình được rửa tội ngay trong những tuần đầu tiên. Vào dịp sớm nhất sau ngày sinh, hay kể cả trước ngày sinh, cha mẹ hãy đến gặp Cha sở để xin rửa tội cho con mình và xin được chuẩn bị kỹ lưỡng về Bí tích”. (Điều 867, §1).
2/ Trong trường hợp bình thường, trẻ con phải được Linh mục chánh xứ hoặc một linh mục khác hoặc một thầy phó tế rửa tội tại nhà thờ vào ngày Chúa nhật cách trọng thể theo nghi thức rửa tội dành cho linh mục và phó tế. Khi không có linh mục hoặc phó tế, Giáo hội cho phép Thầy giảng rửa tội tại nhà thờ cách long trọng theo nghi thức rửa tội trẻ con, dành cho Thầy giảng.
3/ Trường hợp nguy tử:
“§2 Nếu hài nhi gặp cơn nguy tử, phải rửa tội cho nó ngay, không chút trì hoãn” (Điều 867, §2)
4/ §1 Để một nhi đồng được rửa tội cách hợp pháp, cần thiết phải:
1o có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật;
2o có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn lại việc rửa tội dựa theo các qui định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.
§2 Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ công giáo, và thậm chí không công giáo, có thể được rửa tội cách hợp thức, cho dù trái ý cha mẹ” (Điều 868)
5/ Tất cả những đứa trẻ đã được rửa tội theo nghi thức vắn tắt ngoài nhà thờ, khi mạnh lại hoặc khi hết trở ngại, thì cha mẹ và người đỡ đầu phải đưa bé đến nhà thờ, để linh mục hay phó tế tiếp nhận theo nghi thức riêng.
6/ Khi sẩy thai, bất kỳ được mấy tuần hay mấy tháng, hễ thấy thai còn sống, thì rửa tội như thường; nhưng nếu hề nghi đã chết, phải rửa tội hồ nghi rằng: Nếu con còn sống, ta rửa tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
41. Rửa tội cho người lớn
1/ “§1 Để cho phép rửa tội, người lớn phải tỏ ý muốn lãnh nhận Bí tích rửa tội, phải được giáo dục đầy đủ về các chân lý đức tin và các nghĩa vụ Kitô giáo, được thử luyện vào đời sống Kitô giáo qua thời gian dự tòng; ngoài ra, phải khuyên nhủ họ thống hối về tội lỗi của mình.
§2 Trong trường hợp nguy tử, người lớn có thể được rửa tội khi đã biết phần nào về các chân lý chính yếu của Đức tin và hứa sẽ tuân giữ các điều răn của Ki-tô giáo.” (Điều 865).
2/ “Nếu không có lý do quan trọng cản trở, người lớn, liền ngay sau khi đã được rửa tội, cần được lãnh Bí tích Thêm sức, tham dự lễ Thánh Thể và rước lễ ngay đó” (Điều 866).
3/ Đối với những người lớn khỏe mạnh muốn được rửa tội theo quyết định của Hội đồng Giám mục Việt nam ngày
15/06/1967, thời kỳ huấn luyện giáo lý kéo dài ít là một năm, trừ những trường hợp đặc biệt. Vừa dạy giáo lý vừa lập họ sống đạo: bỏ những gì nghịch Đức Tin và tin thần Công giáo, tập thi hành Đức tin, Cậy, Mến công bằng, bác ái, đọc kinh, dự lễ, học hỏi Lời Chúa, tông đồ giáo dân và các nghi thức Phụng vụ Công giáo.
4/ Trường hợp tòng giáo tập thể:
Thời gian dự tòng có thể chia ra làm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài vài ba tháng. Trong mỗi giai đoạn cần ôn lại giáo lý nhưng giải thích rộng hơn và hợp với nội dung hướng dẫn của Nghi thức gia nhập Kitô giáo của người lớn của Thánh Bộ Phụng Tự ban hành ngày 6/1/1972 và được Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam áp dụng sau đó. (x. GLHTCG số 1248)
5/ Trường hợp riêng rẽ thì tùy hoàn cảnh linh mục chánh xứ định đoạt. Tuy nhiên, theo Ủy Ban Giám Mục về Phụng Tự, Sài gòn 1974, Chương II, về Nghi thức đơn giản nhập đạo của người lớn, số 240 có ghi vì trường hợp đặc biệt người dự tòng không thể qua mọi giai đoạn nhập đạo được, Ngài có thể cho phép từng trường hợp được sử dụng nghi thức đơn giản nầy.
6/ Trong trường hợp thông thường, những người trước kia đã chịu phép Rửa tội thành sự trong một cộng đoàn Kitô giáo, mà nay xin gia nhập Giáo hội Công giáo thì phải học qua một lớp giáo lý và tham dự một nghi lễ được Giám mục chấp nhận, trong đó họ xác định hoàn toàn hiệp nhất cùng Giáo hội Công giáo.
7/ “§1 Nếu hồ nghi không biết một người đã được rửa tội hay chưa, hoặc Bí tích rửa tội đã ban có hữu hiệu hay không, và sự hồ nghi vẫn còn dù sau khi đã điều tra căn kẽ, thì được ban Bí tích Rửa tội với điều kiện.
§2 Những người đã được rửa tội trong một cộng đoàn không Công giáo, thì không cần rửa tội lại với điều kiện, trừ khi có lý do quan trọng hồ nghi về sự hữu hiệu của Bí tích sau khi đã điều tra chất liệu và công thức dùng trong lúc ban Bí tích Rửa tội, cũng như đã lưu ý đến chủ ý của người trưởng thành được rửa tội và của thừa tác viên cử hành Bí tích.
§3 Trong những trường hợp ở triệt 1 và 2 trên đây, nếu có hoài nghi về việc đã ban hoặc về sự hiện hữu của Bí tích Rửa tội, thì chỉ cử hành lại cho người lớn khi đã trình bày cho họ giáo lý Bí tích, và cho đương sự hay cha mẹ, nếu là nhi đồng, biết những lý do hoài nghi về việ hữu hiệu của Bí tích Rửa tội đã cử hành trước đây” (Điều 869)
42. Người đỡ đầu:
1/ Trong mức độ có thể được, phải liệu cho người sắp lãnh nhận Bí tích Rửa tội có một người đỡ đầu. Nhiệm vụ của người đỡ đầu là tham dự vào việc khai tâm Kitô giáo của người lớn sắp rửa tội; còn đối với nhi đồng sắp rửa tội, người đỡ đầu phải cùng với cha mẹ đem em nhỏ đến chịu rửa tội, rồi cộng tác với cha mẹ giúp em bé đã được rửa tội sống đời sống Kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí tích rửa tội” (Điều 872)
2/ “Có thể chỉ nhận một cha đỡ đầu hoặc một mẹ đỡ đầu, hay cả cha và mẹ đỡ đầu” (Điều 873)
3/ §1 Để được nhận giữ nhiệm vụ đỡ đầu, người đỡ đầu cần:
1o phải được chọn lựa bởi chính người sắp được rửa tội hay cha mẹ của đương sự hoặc người thế quyền cha mẹ; nếu không có cha mẹ và người thế quyền thì Cha sở hay thừa tác viên rửa tội sẽ chọn lựa. Người được chọn phải có khả năng và ý muốn đảm nhận nhiệm vụ đỡ đầu;
2 o đã được mười sáu tuổi trọn, trừ khi Giám mục giáo phận ấn định tuổi khác, hoặc Cha sở hay thừa tác viên thấy có thể nhận một ngoại lệ vì lý do chính đáng;
3o Phải là người công giáo, đã chịu Bí tích Thêm sức và Bí tích Mình Thánh Chúa, lại có đời sống xứng hợp với Đức tin và chức vụ sắp lãnh nhận;
4o không mắc một hình phạt giáo luật đã được tuyên kết và tuyên bố hợp lệ;
5 o không phải là cha hay mẹ của người được rửa tội.
§2 Người nào đã được rửa tội thuộc về một giáo đoàn Giáo hội không Công giáo chỉ được chấp nhận như là chứng nhân của Bí Tích Rửa tội cùng với một người đỡ đầu Công” (Điều 874).
43. Bằng chứng và ghi chú về việc ban Bí tích.
1/ Người ban bí tích Rửa tội phải liệu để, nếu không có người đỡ đầu, ít ra có một chứng nhân hầu có thể xác nhận việc ban hành Bí tích Rửa tội. (Điều 875)
2/ “§1 Cha sở nơi cử hành Bí tích Rửa tội phải cẩn thận ghi ngay vào sổ Rửa tội: tên của người lãnh nhận Bí tích Rửa tội, của thừa tác viên, của cha mẹ, của người đỡ đầu và nếu có, của cả người là chứng; nơi và ngày rửa tội, ngày và nơi sinh.
§2 Nếu là đứa con của người mẹ không có chồng, thì sẽ ghi tên người mẹ vào sổ, khi có thể minh định công khai được mẫu hệ hay khi chính người mẹ tự ý xin ghi tên mình vào qua một đơn viết tay hay trước mặt hai người chứng. Tên của người cha cũng ghi vào sổ nếu phụ hệ được chứng minh do một văn kiện công chứng nào đó, hoặc chính đương sự tuyên bố trước mặt cha sở và hai người chứng. Trong những trường hợp khác, sẽ ghi tên trẻ được rửa tội mà không cần nhắc đến tên của người cha hay của cha mẹ.
§3 Nếu là đức con nuôi, thì phải ghi tên cha mẹ nuôi và cả cha mẹ ruột theo quy tắc của triệt 1 và 2, ít là khi đã ghi như vậy trong chứng thư dân sự tại địa phương; tuy nhiên phải lưu ý đến các chỉ thị của Hội Đồng Giám mục” (Điều 877).
3/ “Nếu không phải Cha sở hay người đại diện Cha sở ban Bí tích Rửa tội, thì thừa tác viên Bí tích Rửa tội, bất cứ là ai, phải báo cho cha sở tại nơi cử hành Bí tích Rửa tội biết, để ngài ghi vào sổ Rửa tội theo điều 877, triệt §1” (Điều 878)
4/ Mỗi gia đình cần có sổ gia đình công giáo. Đôi tân hôn phải sắm ngay khi kết hôn và xin Cha Chánh xứ ký tên và đóng dấu. Khi rửa tội, Cha sở sẽ ghi tên người được rửa tội vào sổ nầy.
5/ Nếu vị linh mục khác rửa tội, thì xin Ngài cấp chứng thư rửa tội và chứng nhận vào sổ gia đình công giáo, để về trình cho cha Chánh xứ của mình để Ngài ghi vào sổ giáo xứ.
CHƯƠNG IV: BÍ TÍCH THÊM SỨC
44. Tính chất cần thiết của Bí tích Thêm sức.
1/ “Nhờ Bí tích Thêm sức, tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn, và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô” (GH 11; GLHTCG từ số 1285 đến 1321).
2/ “Nhờ Bí tích Thêm sức ghi ấn tích thiêng liêng, các tín hữu đang tiếp tục con đường khai tâm Kitô giáo được trao dồi bỡi Hồng Ân Chúa Thánh Thần và gắn gó hoàn hảo hơn với Giáo Hội. Bí tích Thêm sức giúp họ thêm kiên cường, đòi buộc họ cách mãnh liệt hơn phải trở nên nhân chứng của Đức Kitô, bênh vực và loan truyền Đức tin bằng lời nói và việc làm” (Điều 879).
3/ Giáo dân phải lo lãnh nhận Bí tích Thêm sức, và cần đủ ý thức nhiệm vụ chứng nhận Chúa Kitô. Ai khinh thường không lãnh Bí tích Thêm sức thì thiếu những ơn quí trọng do Bí tích nầy sinh ra. Vì thế, phụ huynh và Ban chức việc, các vị chủ chăn, nhất là cha sở phải liệu sao cho các tín hữu được học hỏi đúng mức để lãnh nhận Bí tích này và được lãnh nhận vào thời gian thích hợp. (X. Điều 890).
4/ Do đó, “Để lãnh nhận bí tích Thêm sức, người tín hữu phải được chuẩn bị nhằm kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, gắn bó chặt chẽ với Chúa Thánh Thần, với hoạt động, hồng ân và lời mời gọi của Người, và hăng hái nhận lấy trách nhiệm tông đồ của Kitô hữu. Do đó, giáo lý Thêm sức phải cố gắng giúp cho thụ nhân cảm nhận mình thuộc về Hội thánh Chúa Kitô, thuộc về Hội Thánh toàn cầu cũng như cộng đoàn giáo xứ. Cộng đoàn này có trách nhiệm đặc biệt trong việc chuẩn bị cho những người sắp chịu phép Thêm sức” (GLHTCG số 1309).
45. Những người lãnh nhận Bí tích Thêm sức.
1/ “§1 Tất cả và chỉ những người đã lãnh Bí tích Rửa tội và chưa lãnh Bí tích Thêm sức mới có khả năng lãnh Bí tích Thêm sức.
§2 Ngoài trường hợp nguy tử, muốn lãnh nhận Bí tích Thêm sức cách hợp pháp, nếu đương sự biết sử dụng trí khôn, thì phải học hỏi đầy đủ, chuẩn bị xứng đáng và có khả năng lập lại những lời hứa khi chịu Bí tích Rửa tội” (Điều 889)
2/ Những người sắp chết mà chưa lãnh Bí tích Thêm sức, dầu là trẻ em cũng cần lãnh phép Bí tích Thêm sức để được thêm ơn Chúa. Giáo hội đã ban phép cho các linh mục có nhiệm vụ coi sóc linh hồn được làm phép Thêm sức trong trường hợp nguy tử, nên phải mời các ngài đến kịp để họ được nhờ những ơn ích của Bí tích nầy.
3/ “Bí tích Thêm sức được ban cho tín hữu vào tuổi biết phán đoán, trừ khi Hội Đồng Giám mục hạn định một tuổi khác, hoặc gặp trường hợp nguy tử, hay theo sự nhận định của thừa tác viên, một lý do quan trọng đòi hỏi thế khác” (Điều 891).
46. Người đỡ đầu
1/ “Trong tầm mức có thể, người lãnh nhận Bí tích Thêm sức cần có một người đỡ đầu. Bổn phận của người nầy là do giúp người chịu Bí tích Thêm sức sống như nhân chứng đích thực của Chúa Kitô và trung kiên chu toàn những bổn phận gắn liền với Bí tích Thêm sức” (Điều 892).
2/ Nhiệm vụ và điều kiện của người đỡ đầu:
“§1 Để có thể nhận làm người đỡ đầu, cần hội đủ những điều kiện đã nói ở điều 874
§2 Nên chọn chính người đỡ đầu lúc rửa tội để làm người đỡ đầu” (Điều 893)
Phận vụ và trách nhiệm của người đỡ đầu Thêm sức giống phần người đỡ đầu rửa tội.
47. Sổ Bí tích Thêm sức
1/ “Phải ghi tên của những người lãnh Bí tích Thêm sức, của người thừa tác viên, cha mẹ và người đỡ đầu, nơi và ngày ban Bí tích Thêm sức vào sổ Thêm sức của phủ Giáo phận hay vào sổ giữ tại văn khố giáo xứ nếu Hội đồng Giám mục hoặc Giám mục Giáo phận truyền như vậy. Cha sở phải báo việc lãnh Bí tích Thêm sức cho cha sở tại nơi đương sự đã được rửa tội, để ngài ghi việc ban Bí tích Thêm sức vào sổ Rửa tội, chiếu theo quy tắc của điều 535, triệt §2” (Điều 895)
2/ “Nếu Cha sở địa phương đã không có mặt, thì thừa tác viên phải tự mình hay nhờ người khác báo cho Cha sở biết càng sớm càng hay về việc ban Bí tích Thêm sức” (Điều 896).
Cũng nhớ ghi vào sổ gia đình chứng từ Bí tích Thêm sức này và có chữ ký của Cha sở.
CHƯƠNG V: BÍ TÍCH THÁNH THỂ
48. Thánh Thể:
1/ “Bí tích Thánh Thể hoàn tất công cuộc khai tâm Kitô giáo. Những người đã được Bí tích Thánh Tẩy nâng lên tham dự hàng tư tế vương giả và nhờ Bí tích Thêm sức trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cách sâu xa hơn, nay nhờ Bí tích Thánh Thể được cùng với toàn thể cộng đoàn tham dự vào hy lễ của Chúa Giêsu” (GL HTCG số 1322).
2/ Thánh Thể, nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Hội Thánh. “Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (x. LG 11; GLHTCG số 1324)
49. Bí tích Thánh Thể trong Nhiệm cục cứu độ.
1/ Dấu chỉ bánh và rượu
“Trong thánh lễ, nhờ lời Đức Kitô và lời Hội thánh kêu cầu Chúa Thánh Thần, bánh và rượu nên Mình và Máu Đức Kitô” (GLHTCG số 1333).
2/ Giáo dân phải lấy Đức tin mà nhận có Chúa Giêsu hiện diện thật trong hình bánh rượu. Hơn nữa giáo dân phải coi bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống phụng vụ của Giáo Hội, là lương thực nuôi sống siêu nhiên của Kitô hữu. Bí tích Thánh Thể cũng là Bí tích yêu thương của Chúa Cứu Thế đã để lại cho ta. Do đó, Thánh Thể phải là trung tâm thờ phượng của người Kitô hữu, là nơi phát triển sự sống thiêng liêng và lòng mến Chúa, yêu người. (GLHTCG từ số 1334 đến 1344).
50. Tôn thờ Thánh Thể.
1/ “Tôn thờ Thánh Thể. Trong thánh lễ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh rượu, bằng cách bái gối hay cúi đầu để tỏ lòng tôn thờ Chúa. Hội thánh công giáo luôn tôn thờ Thánh Thể, không chỉ trong mà còn ngoài thánh lễ nữa, bằng cách bảo quản cẩn thận hình bánh rượu đã truyền phép, đặt Mình Thánh cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng, rước kiệu Mình Thánh” (MF 56)” (GLHTCG số 1378).
2/ “Hội Thánh và thế giới rất cần tôn thờ Thánh Thể. Đức Giêsu đang chờ chúng ta trong bí tích tình yêu này. Phải dành thời gian đến gặp gỡ, tôn thờ và chiêm ngưỡng Người với tất cả lòng tin và ước mong đền tạ muôn lỗi lầm thiếu sót của nhân gian. Hãy luôn tôn thờ Thánh Thể (Gioan Phaolô II, BữaTiệc của Chúa, 3) (GLHTCG số 1380).
3/ Vì thế, người giáo dân cần đặt sự tôn sùng phép Thánh thể lên hàng đầu hay đúng hơn, phải hướng các sự tôn sùng khác về sự tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Đối với người đau ốm, già cả, dù không liệt nặng hay gần chết, cũng phải liệu cách để họ năng được rước Chúa, tùy sự định liệu của Linh mục chánh xứ, nhất là vào Mùa Phục sinh.
51. Rước lễ vỡ lòng
1/ Rước lễ vỡ lòng: Hội thánh buộc nhặt phụ huynh và các người hữu trách lo liệu cho trẻ em đến tuổi khôn được xưng tội, rước lễ vỡ lòng và năng rước lễ về sau. Trước khi Rước lễ vỡ lòng phải tổ chức cho trẻ em một lớp giáo lý căn bản về Đức tin, về Bí tích Thánh Thể, về phép Giải tội và một số ngày tĩnh tâm.
2/ “Tuy nhiên, có thể cho trẻ em lâm cơn nguy tử rước lễ, nếu các em có thể phân biệt Mình Chúa Kitô khác với của ăn thông thường và kính cẩn rước lễ” (GLHTCG số 913, §2).
3/ “Những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố chấp sống trong tội trọng tỏ tường, không được rước lễ” (Điều 915)
4/ “Ai muốn rước lễ phải kiêng mọi thức ăn và thức uống, chỉ trừ nước lã và thuốc chữa bệnh, ít là khoảng một giờ trước khi rước lễ” (Điều 919, §1)
5/ “§1 Mọi tín hữu, sau khi rước lễ vỡ lòng, buộc phải rước lễ ít nhất mỗi năm một lần.
§2 Phải chu toàn mệnh lệnh này trong mùa Phục sinh, trừ khi vào thời gian khác trong năm vì một lý do chính đáng” (Điều 920)
52. Rước lễ Bao đồng
1/ Sau khi rước lễ vỡ lòng, những nơi có tập quán tốt đẹp tổ chức Rước lễ Bao đồng, phụ huynh và những vị hữu trách phải để ý lo cho trẻ tiếp tục học giáo lý để chuẩn bị Rước lễ Bao đồng, một phương thế trọng đại duy trì đời sống Kitô hữu mà trẻ em phải bảo tồn và phát triển suốt đời.
2/ Thời gian tổ chức Rước lễ Bao đồng: có nơi tổ chức vào thời gian trước khi các em lãnh Bí tích Thêm sức; có nơi tổ chức sau khi chúng lãnh Bí tích Thêm sức, và trước khi chúng bước vào đời sống tự lập về mặt xã hội. Ngày rước lễ Bao đồng cần được tổ chức trọng thể, có tổ chức thi giáo lý, phát chứng chỉ với sự hiện diện cha Chánh xứ, Ban chức việc, và trong buổi lễ các em lặp lại lời hứa Rửa tội.
CHƯƠNG VI: BÍ TÍCH THỐNG HỐI
53. Khái niệm
1/ Danh xưng: Có nhiều danh xưng để chỉ Bí tích nầy như Bí tích Giải tội, Bí tích Thống hối và Giao hòa, có lúc gọi Bí tích Hoán Cải, Bí tích Tha Tội hay Hòa giải (x. GLHTCG số 1423, 1424).
2/ Khái niệm – Định nghĩa:
1o “Chúa Giêsu Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng ta. Người đã từng tha tội và phục hồi sức khỏe thể xác cho người bại liệt. Người muốn Hội Thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần, tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ. Các chi thể của Hội thánh rất cần điều nầy. Đó là mục đích của hai bí tích chữa lành: Bí tích Sám Hối và Bí tích Xức dầu bệnh nhân” (GLHTCG số 1421).
2o “Những ai đến lãnh nhận Bí tích Sám hối đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời, họ được giao hòa với Hội Thánh đã bị tội lỗi của họ làm tổn thương. Nhưng Hội thánh hằng nổ lực lấy đức mến, gương lành và kinh nguyện để hoán cải họ” (GLHTCG số 1422). 
3o Sám hối là một nhân đức cũng là một trong bảy Bí tích Chúa Giêsu thiết lập, qua Bí tích nầy, các tội lỗi đã phạm sau khi rửa tội sẽ được thứ tha nếu hối nhân biết ăn năn, dốc lòng sửa mình, xưng thú tội lỗi và sẵn sàng đền bù những thiệt hại đã gây nên.
54. Sự cần thiết việc xưng tội cá nhân.
1/ Việc thú tội cá nhân và trọn vẹn cùng với việc xá giải cấu tạo nên phương thức duy nhất và thông thường, nhờ đó người tín hữu ý thức mình có tội nặng được hòa giải với Thiên Chúa và Giáo hội. Chỉ sự bất khả kham về thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi cách thú tội như vậy, trường hợp ấy, người ta có thể lãnh ơn hòa giải bằng những cách thức khác” (Điều 960; x. GLHTCG số 1448, 1456)
2/ Giải tội tập thể.
“§1 Không thể ban ơn giải tội chung một trật cho nhiều người khi chưa có việc xưng tội cá nhân trước. Trừ ra:
1o khi gần cơn nguy tử và một lịch mục hay nhiều linh mục không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội;
2o trong trường hợp có sự nhu cầu nghiêm trọng, nghĩa là, khi nào xét vì số đông hối nhân và không đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội hợp lệ trong một thời gian thích hợp, đến nỗi vì vậy mà các hối nhân không phải lỗi tại họ đành thiệt mất ơn Bí tích xá giải hay ơn rước lễ trong một thời gian lâu dài. Tuy nhiên không được coi là có nhu cầu đủ, khi không có sẵn cha giải tội chỉ vì có đông hối nhân như có thể xảy ra trong một ngày đại lễ hay trong một cuộc hành hương lớn nào đó.
§2 Giám mục Giáo phận có thẩm quyền nhận định về những điều kiện đòi hỏi ở triệt §1, số 2. Sau khi xét đến các tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các thành viên khác của Hội Đồng Giám mục, ngài có thể xác định những trường hợp nào có nhu cầu như thế” (Điều 961)
3/ “§1 Để hưởng cách hữu hiệu ơn xá giải ban một trật cho nhiều người, các Ki-tô hữu không những phải được chuẩn bị đầy đủ, mà đồng thời còn phải quyết tâm là sẽ đi xưng tội riêng vào thời gian thích hợp về các tội trọng mà hiện tại họ không thể xưng thú như vậy được” (Điều 962)
55. Điều kiện
1/ “Hối nhân phải tự nguyện thi hành đầy đủ những việc sau: thật lòng ăn năn, xưng tội, khiêm tốn và thành tâm đền tội” (GLHTCG số 1450).
2/ “Để lãnh nhận bí tích Giao hòa, hối nhân cần chuẩn bị bằng việc xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa. Những văn bản thích hợp nhất có thể tìm được trong Mười điều răn phần giảng huấn luân lý của Tin Mừng và trong các Thư Tân Ước: bài giảng trên núi, giáo huấn các Tông đồ như Rm 12 – 15; 1Cr 12 – 13”. (GLHTCG số 1454).
3/ Giáo dân phải biết rõ giáo lý về Bí tích Giao Hòa nầy, xưng tội một cách có ý thức và siêu nhiên, đừng xưng tội một cách máy móc vì thói quen. Có người xưng tội hằng tuần mà cứ sống bê bối. Do đó, không phải năng xưng tội thì đáng được coi là người ngoan đạo, nhưng cần phải lo cải thiện đời sống, lo chừa tội lỗi như những tội có ảnh hưởng xã hội, dễ sinh gương xấu như gian tham, lỗi đức công bình, lỗi đức trong sạch, rượu chè, cờ bạc…
4/ “Có những tội gây thiệt hại cho tha nhân. Chúng tôi phải hết sức để đền bù (như trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình xúc phạm, bồi thường thiệt hại) (…) Sau khi được tha thứ, hối nhân còn phải hồi phục hoàn toàn sức sống thiêng liêng. Vì thế, họ phải làm một việc gì sửa lại lỗi lầm của mình: phải “đền bù” cân xứng hoặc “đền tạ” tội lỗi mình. Việc đền tội như vậy cũng gọi là “thống hối”. (GLHTCG số 1459).
56. Thừa tác viên của Bí tích Giao hòa
1/ “§1 Để giải tội thành sự, luật đòi hỏi thừa tác viên, ngoài quyền thánh chức, còn phải có năng quyền thi hành thánh chức ấy đối với các tín hữu mà ngài ban ơn xá giải.
§2 Linh mục có thể lãnh nhận năng quyền nầy hoặc do chính luật, hoặc do nhà chức trách có thẩm quyền cấp ban theo quy tắc của điều 969” (Điều 966)
2/ “Khi ban bí tích sám hối, linh mục thi hành chức vụ như Đấng chăn chiên lành đi tìm chiên lạc, như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành băng bó vết thương, như người cha chờ đợi và đón nhận người con đi hoang trở về, như quan án chính trực xét xử công bình và nhân hậu, không thiên vị một ai. Tóm lại, linh mục là dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa giáu lòng thương xót đối với tội nhân” (GLHTCG số 1465).
3/ “Các linh mục, cộng sự viên của Giám mục, thực thi thừa tác vụ nầy trong phạm vi trách nhiệm được giám mục (hay bề trên dòng) hay Đức Giáo hoàng ủy thác theo luật Hội Thánh” (GLHTCG số 1462)
4/ Có một số tội nặng đặc biệt, ai phạm sẽ bị vạ tuyệt thông, Đây là hình phạt nặng nhất theo giáo luật, cấm không cho nhận lãnh bí tích và hành xử một số tác vụ trong Hội Thánh. Theo giáo luật, chỉ có Đức Giáo Hoàng, giám mục địa phận hay vị linh mục được ủy nhiệm, mới có quyền tha vạ. Trong trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn có thể tha hết các tội và tha mọi vạ tuyệt thông” (GLHTCG số 1463).
57. Hiệu quả của Bí tích Thống hối
1/ “Bí tích Sám hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả. Mục đích và hiệu quả của bí tích nầy là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. (…) Bí tích Giao hòa thực hiện một “cuộc phục sinh thiêng liêng” đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người (Lc 15, 31)” (GLHTCG số 1468).
2/ “Bí tích nầy giao hòa hối nhân với Hội Thánh. Bí tích Giao hòa tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, mà tội lỗi làm tiêu hao hay cắt đứt” (GLHTCG số 1469)
3/ “Việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội: khi được tha thứ, hối nhân được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình, được giao hòa với anh em là những người họ đã xúc phạm và gây thương tổn; được giáo hòa với Hội Thánh và vạn vật” (RP 31)” (GLHTCG số 1469).
4/ Điều quan trọng, tích cực và hướng mở đến việc xây dựng Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô khi chúng ta đến bí tích Giao hòa là chính Chúa làm chủ đời sống của mình, như thánh Phaolô dạy: dù khi ăn, khi uống hay làm việc gì cũng vì sáng danh Chúa.
58. Ân xá – Đại xá
1/ Định nghĩa: Ân xá là gì?
“Ân xá là tha những hình phạt tạm do tội gây nên, dù tội đã được tha. Muốn hưởng nhờ ân xá, người Kitô hữu phải hội đủ điều kiện và thi hành những điều Hội thánh quy định” (GLHTCG số 1471).
2/ Hình phạt do tội.
“Được tha thứ tội lỗi và tái lập hiệp thông với Thiên Chúa, hối nhân cũng được tha các hình phạt đời đời do tội. Nhưng những hình phạt tạm nầy như một ân sủng, bằng cách nhẫn nại chịu đựng những đau khổ và thử thcách đủ loại, ngay cả cái chết. Họ phải cởi bỏ hoàn toàn “con người cũ” và mặc lấy “con người mới” (Ep. 4,24), nhờ làm những công việc từ bi và bác ái cũng như nhờ cầu nguyện và sám hối” (GLHTCG số 1473).
3/ Mầu nhiệm Các Thánh thông công
“Trong mầu nhiệm Các Thánh thông công, các tín hữu – những người đã về quê trời, những người còn đền tội nơi luyện ngục hay những người đang lữ hành trên trần gian nầy – tất cả liên kết với nhau trong tình yêu bền vững và chia sẻ với nhau những điều thiện hảo” (GLHTCG số 1475).
CHƯƠNG VII: BÍ TÍCH XỨC DẦU THÁNH
59. Danh xưng – ý nghĩa
1/ Bí tích Xức Dầu Thánh cũng thường gọi Xức Dầu Bệnh Nhân, hay gọi lại là Bí tích Xức Dầu.
2/ Bí tích Xức Dầu Thánh được Chúa Giêsu thiết lập như linh dược thiêng liêng không những chữa bệnh phần hồn mà cả phần xác nữa. (Gc 5, 14-15).
“Bằng việc xức dầu thánh và lời cầu nguyện của linh mục, toàn thể Hội thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển để Người an ủi và cứu rỗi họ; hơn nữa, Hội thánh còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Kitô đau khổ và chịu chết để mưu ích cho Dân Thiên Chúa (LG 11)” (GLHTCG số 1499).
3/ Tông Huấn “Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân” ban hành ngày 30/11/1972, theo đường hướng Công Đồng Vaticanô II, xác nhận nghi thức trong phụng vụ Rôma như sau:
“Bí tích Xức Dầu được ban cho những ai bệnh hoạn nguy kịch. Thừa tác viên xức dầu ô-liu hay dầu thực vật khác, đã được thánh hiến, trên trán và trên tay của bệnh nhân vừa đọc: “Nhờ việc xức dầu thánh nầy và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Thánh Thần mà giúp đỡ con, để Người giải khát con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa con và thương làm cho con thuyên giảm” (GLHTCG số 1513).
60. Người ban Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân.
1/ “Tất cả và chỉ tư tế mới được ban Bí tích Xức dầu bệnh nhân cách hữu hiệu”(Điều 1003, §1)
2/ “Nếu hồ nghi không biết bệnh nhân đã đến tuổi khôn chưa, hoặc bệnh tình có hiểu nghèo hay không, hoặc đã chết chưa, thì cũng hãy ban Bí tích này”(Điều 1005)
3/ “Bí tích này cũng được ban cho bệnh nhân nào mà lúc còn tỉnh táo, đã xin lãnh nhận ít là cách mặc nhiên” (Điều 1006).
4/ “Không được ban Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân cho những người cố chấp trong một tội nặng công khai” (Điều 1007).
61. Những người lãnh nhận Bí tích Xức Dầu
1/ “Xức dầu bệnh nhân “không phải chỉ là bí tích dành cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thích hợp để lãnh Bí tích Xức Dầu Thánh là khi người tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hay già yếu” (GLHTCG số 1514).
2/ Phép Xức Dầu Thánh có thể chịu nhiều lần, cứ mỗi cơn bệnh thì được chịu một lần, ngay cả khi đã chịu phép nầy mà khỏi bệnh hay đỡ bệnh ít lâu, rồi trở lại trạng thái bệnh cũ.
3/ Trước khi chịu đại phẩu, tín hữu nên lãnh bí tích Xức Dầu. Cả người lớn tuổi cũng được lãnh nhận khi thấy sức lực suy yếu (x. GLHTCG số 1515).
62. Những người coi sóc bệnh nhân.
1/ Bà con thân thuộc, nhất là những người coi sóc bệnh nhân phải an ủi, khuyên bảo họ vui lòng chịu sự đau đớn để thông phần đau khổ với Chúa Giêsu thập giá và khi thấy bệnh trạng đã trở nên nặng, phải giúp bệnh nhân dọn mình lãnh nhận các Bí tích, rồi trình cho Cha xứ biết và nói rõ bệnh nhân còn tỉnh hay không để linh mục đem Mình Thánh Chúa.
2/ Chuẩn bị
Trong phòng bệnh nhân nằm sạch sẽ, dọn một chiếc bàn nhỏ. Trải khăn trắng, đặt Thánh Giá, hai cây nến, nước Thánh, một ly nước lã, một đĩa đựng chút ít bông hay giấy để linh mục lau dầu.
3/ Khi ban Bí tích xức dầu, cần có thân nhân và một số đại diện cộng đoàn để hiệp thông cầu nguyện.
63. Nhiệm vụ của bệnh nhân
1/ Để được dư đầy ơn Bí tích Xức Dầu Thánh, bệnh nhân phải dọn mình cho chu đáo, ăn năn chê ghét tất cả tội lỗi mình, xưng tội sốt sắng vui lòng chịu mọi đau khổ hồn xác, hợp với Chúa Kitô Thập giá.
2/ Phải nhớ bí tích Xức Dầu Thánh là bí tích kẻ sống, phải sạch tội trọng mới lãnh nên. Vậy, nếu không xưng tội được, phải tỏ lòng ăn năn tội bề trong. Vì thế, phải xin lãnh bí tích nầy khi còn tỉnh táo, hơn là chờ đến gần chết hoặc hấp hối bất tỉnh. 
64. Trường hợp tai nạn
1/ Trường hợp bị tai nạn hay bị bệnh bất thần, bệnh nhân là người công giáo, dầu bất tỉnh, cũng cứ phải khuyên bệnh nhân giục lòng ăn năn tội và mời linh mục làm phép Xức Dầu cho bệnh nhân.
2/ Khi gặp người bị tai nạn ngoài đường, dù không biết họ là người công giáo hay không, cũng nên giúp họ ăn năn và báo cho cha xứ biết để ngài định liệu
CHƯƠNG VIII: BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
65. Định nghĩa
“Truyền chức là Bí tích qua đó sứ mạng Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ để tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế; vì thế, được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích nầy gồm 3 cấp bậc: chức giám mục, chức linh mục và chức pho tế” (GLHTCG số 1536).
66. Tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô
1/ Chúa Giêsu là Thượng Tế duy nhất:
“Đức Kitô” thánh thiện, vẹn toàn, vô tội” (Dt, 7, 26), nhờ hy lễ duy nhất trên thập giá, đã vĩnh viễn làm cho những người được thánh hiến trở nên hoàn hảo” (Dt 10,14) (GLHTCG số 1544).
2/ “Đức Kitô là thượng tế và trung gian duy nhất đã biến Hội Thánh thành” vương quốc của các tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người” (Kh 1,6). Như thế, tất cả cộng đoàn tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế cộng đồng bằng cách mỗi người tùy ơn gọi riêng, tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô là Tư Tế, Ngôn sứ và Vương Đế. Chính qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, các tín hữu được “thánh hiến để trở nên hàng tư tế thánh” (GLHTCG số 1546).
3/ Hai chức tư tế này khác nhau về bản chất:
“Các tín hữu thi hành chức tư tế cộng đồng bằng cách phát triển sống đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, sống theo Chúa Thánh Thần. Còn chức tư tế thừa tác dành để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp phát triển ân sủng bí tích Thánh Tẩy của mọi kitô hữu. Đó là một trong những cách thế Đức Giêsu luôn dùng để xây dựng và hướng dẫn Hội Thánh. Vì thế, chức tư tế này được chuyển giao qua bí tích riêng là bí tích Truyền Chức” (GLHTCG số 1547).
67. Thi hành chức vụ thủ lãnh của Đức Kitô
1/ “Khi thừa tác viên thi hành chức vụ trong Hội Thánh, chính Đức Kitô hiện diện với tư cách là Đầu của Thân Thể, là Mục tử đoàn chiên, Thượng Tế của hy lễ cứu độ, Thầy dạy Chân Lý. Đó là điều Hội Thánh muốn diễn tả khi nói, nhờ bí tích truyền chức, tư tế thi hành chức thủ lãnh của Đức Kitô (in persona Christi Capitis)” (GLHTCG số 1548).
2/ Vậy chúng ta có thể tóm lược về tư tế thừa tác như sau:
“Các thừa tác viên có chức thánh phục vụ dân Chúa qua việc giảng dạy, cử hành Phụng Vụ và hướng dẫn mục vụ” (GLHTCG số 1592).
68. Vai trò người giáo dân đối với chức tư tế thừa tác:
1/ Các thừa tác vụ được trao ban qua bí tích truyền chức không thể thiếu được cho cấu trúc hữu cơ của Hội thánh: không thể quan niệm một Hội Thánh mà không có giám mục, linh mục và phó tế. Vì thế, người giáo dân cần tích cực tiếp tay với Hội thánh trong vấn đề then chốt khẩn thiết này.
2/ Cha mẹ là người đầu tiên và trực tiếp giáo dục con cái trong nôi gia đình. Có thể nói gia đình là chủng viện đầu tiên ươm mầm ơn gọi linh mục bằng đời sống đức Tin, đức Cậy, đức Mến, qua đó cha mẹ giáo dục nhân bản, học thức, sức khỏe và tạo điều kiện cho con cái tìm hiểu, nhận định và quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi trong ơn gọi linh mục. Môi trường gia đình cần lành mạnh, các thành viên trong gia đình trở nên nhà giáo dục cho con em mình ý hướng dấn thân trong ơn gọi này. (x.LG 10 và 11)
3/ Môi trường giáo xứ giúp thanh thiếu niên tham dự vào các sinh hoạt phong phú của mình trong các đoàn thể tông đồ, như trong ban thánh ca, giáo lý viên, sống lời Chúa và phục vụ bác ái trong môi trường xã hội, giáo xứ, người nghèo…
4/ Ngoài công tác giáo dục tâm linh, giáo xứ còn có trách nhiệm hỗ trợ mặt vật chất để giáo phận có điều kiện nuôi dưỡng, đào tạo ơn gọi linh mục tương lai.
CHƯƠNG IX: BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Bí tích hôn nhân mang tính chất cần thiết và đa dạng, chúng tôi xin cố gắng ghi một số trường hợp tối cần thiết để người giáo dân biết tuân thủ và sống đời sống hôn nhân hợp với ơn gọi trọng đại được Chúa thương ban cho mình. Điều quan trọng, mỗi giáo xứ có tổ chức khóa dự bị hôn nhân và người giáo dân có thể đào sâu mọi khía cạnh cần thiết cho đời sống gia đình công giáo trong xã hội hôm nay.
69. Giá trị và mục đích hôn ước nhờ bí tích hôn phối.
1/ Giá trị đời sông hôn nhân.
“Vợ chồng Kitô hữu, được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng để đón nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ” (GS 48,2) (GLHTCG số 1535).
2/ Khái niệm về Bí tích hôn phối: Thiện ích của vợ chồng, yêu thương, trung tín cho đến chết và sinh sản:
“§1 Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Kitô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng Bí tích”
§2 Bởi vậy, giữa những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là Bí tích” (Điều 1055; x GLHTCG số 1601; Humanae vitae 8).
3/ Bất khả phân ly của hôn nhân
“Khi Đức Kitô nhấn mạnh rõ ràng hôn nhân là bất khả phân ly, nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được (…) Khi từ bỏ mình và vác thập giá theo Đức Kitô, các đôi vợ chồng “có thể hiểu được ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống đời hôn nhân nhờ sự trợ giúp của Đức Kitô. Ân sủng của hôn nhân Kitô giáo là hoa quả của Thánh Giá Kitô, nguồn mạch mọi đời sống kitô hữu” (GLHTCG số 1615).
4/ Tình yêu hôn nhân
“Thánh Phaolô cho thấy điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh để Người thánh hóa Hội Thánh (Ep 5, 25-26) (GLHTCG số 1616; x. 1617).
5/ Tự do ưng thuận
“§1 Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được biểu lộ cách hợp thức giữa những người có năng cách về mặt pháp lý làm nên hôn ước và không một quyền lực nào của loài người có thể thay thế được sự ưng thuận ấy.
“§2 Sự ưng thuận hôn ước là một hành vi của ý chí, nhờ đó một người nam và một người nữ hiến thân cho nhau và chấp nhận nhau qua một giao ước bất khả thu hồi để tạo thành hôn ước” (Điều 1057)
+ Triệt §1 của điều 1057 có ý nói: sẽ không thể có một hôn phối hữu hiệu nếu sự ưng thuận được bày tỏ do một người đại diện nào khác, dù trong hoàn cảnh nào và vai trò nào.
+ Ở triệt §2 có ý nghĩa: Không giống như Bộ luật cũ 1917, coi “quyền trên thân thể” (ius in corpus) là chủ đích của sự ưng thuận, Bộ luật 1983 diễn tả một cách một cách nhẹ nhàng hơn: Người nam và người nữ trao thân cho nhau (vitae communio) và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân.
70. Những ngăn trở hôn phối nói chung:
“Tất cả mọi người không bị luật cấm đều có thể kết hôn” (Điều 1058)
Tuy nhiên, luật pháp có thể cản trợ một số người nào đó trong việc kết hôn, có thể vì lợi ích của chính con người. Bộ luật mới (1983) chỉ đề cập chung đến ngăn trở hôn phối mà thôi và tất cả các ngăn trở đều gọi là ngăn trở hôn phối. Người ta có thể phân biệt một số những cản trở chính yếu thường xảy ra được phân theo thứ loại như sau:
1/ Bởi luật tự nhiên (cũng thường gọi là Thiên luật):
+ Trường hợp một người bất lực hoàn toàn và vĩnh viễn (x. Điều 1084).
+ Ngăn trở đã kết hôn:
“§1 Người đang bị ràng buộc bỡi dây hôn nhân trước, cho dù chưa hoàn hợp, thì kết hôn cũng bất thành.
“§2 Dù hôn nhân trước bất thành hay được tháo gỡ vì bất cứ lý do nào, thì không vì thế mà được phép kết hôn lần nữa, trước khi thấy rõ ràng cách hợp thức và chắc chắn rằng hôn nhân trước đã bất thành hoặc đã được tháo gỡ. (x. Điều 1085)
Đây là một ngăn trở theo luật tự nhiên, thiên luật và nhân luật.
+ Ngăn trở họ hàng huyết tộc:
§1 Những người có họ máu hàng dọc, từ dưới lên và từ trên xuống, hoặc pháp lý hoặc tự nhiên, kết hôn với nhau bất thành. §2 Trong họ máu hàng ngang, hôn phối bất thành cho đến hết bậc thứ bốn.
§3 Ngăn trở về huyết tộc không nhân cấp.
§4 Không bao giờ được phép kết hôn khi có hoài nghi đôi bên có cùng liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của hàng dọc hay trong cấp thứ hai của hàng ngang (Điều 1091).
+ Bản quyền sở tại có thể miễn chuẩn ngăn trở hàng ngang từ cấp thứ ba.
§ 1 Trong trường hợp nguy tử khẩn cấp, Đấng Bản Quyền địa phương có thể miễn chuẩn cho những người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào hoặc mọi người đang cư ngụ trong địa hạt của mình khỏi phải giữ thể thức cử hành hôn nhân, và khỏi mọi ngăn trở, cũng như từng ngăn trở công khai hay kín đáo thuận luật Giáo hội, trừ ngăn trở chức linh mục (Điều 1079) .
§2 Trong cùng các hoàn cảnh được nói ở §1, nhưng chỉ trong những trường hợp không thể đến với Đấng Bản Quyền địa phương được, thì cả cha sở hay thừa tác viên có chức thánh đã được ủy quyền hợp pháp, lẫn tư tế hay phó tế chứng hôn chiếu theo quy tắc của điều 1116, §2, đều có cùng một quyền miễn chuẩn ấy.
§3 Trong cơn nguy tử, cha giải tội có quyền miễn chuẩn những ngăn trở kín đáo ở tòa trong, vào lúc hoặc ngoài lúc ban bí tíc Sám Hối
§4 Trường hợp được nói ở trên ở §2, phải được coi là không thể đến với Đấng Bản Quyền địa phương được, nếu chỉ có thể liên lạc với ngài qua điện tín hoặc điện thoại.
Tuy nhiên cần lưu ý dân luật địa phương, trong trường hợp có xung đột giữa Giáo Luật và dân luật chủ hôn phải có phép của Bản quyền sở tại (Điều 1071,2)
2/ Bởi Giáo luật: như trong trường hợp những người đã lãnh nhận chức thánh hay đã khấn trọn đời trong các nhà Dòng (x. Điều 1087 và 1088).
3/ Bởi Giáo luật – nhân luật: như trong trường hợp tuổi tác, hai người định kết hôn với nhau có liên hệ họ hàng gần nhau (hôn thuộc):
+ Điều kiện tuổi:
“§1 Người nam chưa trọn mười sáu tuổi, người nữ chưa trọn mười bốn tuổi, không thể kết hôn thành sự.
§2 Hội Đồng Giám Mục có quyền ấn định tuổi cao hơn để kết hôn cách hợp pháp” (Điều 1083).
Cụ thể, HĐGMVN ấn định tuổi để kết hôn theo bộ Luật Gia đình Việt nam: Nam 20 tuổi trọn, nữ 18 tuổi trọn.
+ Ngăn trở họ hàng hôn thuộc.
“Những người có họ hàng kết bạn ở bất cứ bậc nào thuộc hàng dọc kết hôn với nhau bất thành” (Điều 1092).
+ Ngăn trở theo dưỡng hệ:
“Những người có họ hàng với nhau do việc nhận con nuôi được pháp luật công nhận kết hôn với nhau bất thành ở hàng dọc hoặc ở bậc thứ hai thuộc hàng ngang”. (Điều 1094)
+ Ngăn trở bạo lực:
Hôn phối bất thành, nếu vì bạo lực hay vì sợ hãi nghiệm trọng từ bên ngoài, mặc dù không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát (Điều 1103).
+ Ngăn trở tội ác
§1 Kẻ chủ ý kết hôn với một người nào đó mà gây ra cái chết cho người phấu ngẫn của người ấy hay của mình, thì việc kết hôn nầy bất thành (Điều 1090).
§2 Những người đã cộng tác với nhau cách thể lý hay luân lý để giết người phối ngẫu của họ, dù kết hôn với nhau cũng bất thành(Điều 1090).
+ Ngăn trở vì lầm lẫn.
§1 Sự lầm lẫn về nhân thân làm cho hôn nhân bất thành
§2 Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành, trừ khi tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chủ yếu (Điều 1097); về lường gạt được bày ra vì mưu chước để ưng thuận (x. Điều 1098)
+ Ngăn trở khác tôn giáo.
Hôn phối giữa một người Công giáo và một người lương dân không thành sự. Chỉ thành sự và hợp pháp khi có phép chuẩn (x. 1086 §1).
71. Mục vụ hôn nhân
1/ Gia đình là Hội Thánh thu nhỏ.
Đức Kitô đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh là “gia đình của Thiên Chúa”
(GLHTCG số 1655).
“Trong gia đình như một Hội Thánh thu nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục”(LG 11).
Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo và là “một trường học phát triển nhân tính” (GS 52,1)
2/ Mục vụ trong thời gian chuẩn bị hôn nhân
1o – “Các chủ chăn có bổn phận phải lo cho cộng đoàn của mình, biết trở giúp các tín hữu bảo toàn bậc sống hôn nhân theo tinh thần Kitô Giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên đường trọn lành” (Điều 1063).
2o – Cha sở là người đầu tiên có trách nhiệm trong lãnh vực thiêng liêng, nên có bổn phận khuyến khích cộng đoàn giáo xứ chăm lo săn sóc đời sống từng gia đình để mọi gia đình đều có một đời sống thánh thiện, bằng:
+ “Việc rao giảng, huấn luyện giáo lý thích hợp cho mọi giới, kể cả việc xử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, ngõ hầu các tín hữu được giáo dục về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, về nghĩa vụ vợ chồng và về nghĩa vụ của các cha mẹ Công giáo” (Điều 1063, 1), về giáo lý (Điều 776 – 778).
3o – Ba yếu tố về hôn phối Công giáo cần được đề cập khi huấn giảng về hôn phối: Ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo; nghĩa vụ vợ chồng và bổn phận của cha mẹ công giáo.
3/ Việc khảo hạch đôi bạn
“Hội Đồng Giám mục phải ra những quy luật về việc khảo hạch đôi bạn, việc ra hôn phối và về những phương thế tùy nghi khác để hoàn tất công việc điều tra phải có trước khi kết hôn. Sau khi tuân hành kỹ lưỡng những điều đó, Cha sở mới có thể tiến hành việc chứng giám hôn phối” (Điều 1067).
+ “Bằng việc chuẩn bị riêng cho những người sắp kết hôn, sửa soạn cho đôi bạn lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống mới” (Điều 1063,2).
+ Hầu như tại mỗi giáo xứ có khóa dự bị hôn nhân để chuẩn bị cho giới thanh niên nam nữ có một số kiến thức và đời sống tâm linh theo ơn gọi họ sắp dấn thân.
72. Nghi thức phụng vụ hôn phối.
1/ Các Bí tích cần có trước nghi thức hôn phối
“§1 Những người công giáo chưa lãnh nhận Bí tích Thêm sức phải lãnh nhận Bí tích ấy trước khi kết hôn, nếu có thể được và không có những khó khăn trầm trọng.
§2 Để việc lãnh nhận Bí tích Hôn phối được dồi dào công hiệu, hết sức khuyên nhủ các đôi bạn nên lãnh Bí tích Thống hối và Thánh Thể” (Điều 1065).
Thánh Bộ phụ trách huấn luyện về các Bí tích ban cho các cha sở năng quyền được ban Bí tích Thêm sức trong những trường hợp trên. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian thử nghiệm từ 11/6/1973 đến 7/7/1977. Có nhiều nơi, Đức Giám mục địa phận ủy quyền thường xuyên cho các cha sở năng quyền nầy. (Năng quyền nầy còn hiệu lực hay không, cần phải tìm hiểu thêm luật địa phương).
2/ Mầu nhiệm ẩn tàng trong Bí tích hôn nhân.
Việc cử hành long trọng bề ngoài của hôn nhân công giáo được kể là thứ yếu. Thường đôi bạn quá để ý đến bề ngoài mà quên đi mất phần quan trọng khi chuẩn bị hôn nhân, đôi bạn cần cảm nhận được mầu nhiệm ẩn tàng trong Bí tích: Mầu nhiệm kết hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, để họ mỗi ngày thêm thánh thiện và hoàn hảo hơn trong đời sống gia đình . (x. Điều ). 
73. Thể thức cử hành hôn phối
1/ Chủ sự
“§1 Hôn phối chỉ thành sự nếu được kết lập trước mặt Bản Quyền sở tại hoặc Cha sở, hoặc một tư tế hay phó tế được các vị ấy ủy nhiệm chứng hôn, và trước mặt hai người làm chứng; tuy nhiên, phải theo các quy luật trong các điều nói dưới đây, và tôn trọng các biệt lệ nói ở các điều 144, 1112, triệt 1, 1116 và 1127 triệt 2 và 3.
§2 Người chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để đòi hỏi hai bên kết ước bày tỏ sự ưng thuận và nhân danh Giáo hội, đón nhận sự bày tỏ ấy” (Điều 1108)
2/ Lãnh vực trách nhiệm
Khi muốn chứng hôn cho một đôi hôn phối bên ngoài lãnh thổ trách nhiệm của mình, cần có sự ủy nhiệm của hữu trách địa phương có thẩm quyền. (Điều 1109)
3/ Chủ sự trách nhiệm
“Bản quyền và Cha sở tòng nhân, chiếu theo chức vụ chứng hôn cách hữu hiệu hôn phối của đôi nào mà ít ra một người là thuộc quyền mình, trong giới hạn lãnh thổ của mình” (Điều 1110).
4/ Thừa ủy năng quyền chứng hôn.
“§1 Bản quyền sở tại và Cha sở, bao lâu còn hành xử chức vụ cách hữu hiệu, có thể ủy cho các tư tế và phó tế năng quyền, kể cả năng quyền tổng quát để chứng hôn trong phạm vi lãnh thổ của mình.
§2 Để việc thừa ủy năng quyền chứng hôn được hữu hiệu, cần phải xác định minh thị danh tánh những người được ủy; nếu là sự thừa ủy đặc định, thì phải xác định cụ thể hôn phối nào; nếu là sự thừa ủy tổng quát, thì phải cấp bằng giấy tờ” (Điều 1111).
5/ Chứng hôn bất hợp pháp.
“Người chứng hôn sẽ hành động bất hợp pháp, nếu chính họ không chắc chắn về tình trạng thong dong của hai người kết hôn theo quy định của Giáo luật, và nếu không có phép của Cha sở, khi có thể xin phép, trong trường hợp sự thừa ủy là tổng quát” (x. Điều 1114).
74. Trách nhiệm người giáo dân
Vấn đề hôn nhân đa tạp, nhưng rất thiết thân với cuộc sống người giáo dân vì đây là Bí tích thánh hóa đời sống gia đình. Giáo hội luôn lo lắng, bảo vệ và muốn cho con cái mình được hạnh phúc đích thực, lâu bền và đồng thời trang bị cho giới trẻ cũng như gia đình những phương thế để trở nên người chứng Tin Mừng Chúa Kitô trong môi trường trần thế. Vì thế người tín hữu trong giáo xứ nói chung, bậc phụ huynh cũng như giới trẻ cần có một số phương thế cụ thể và hữu hiệu để xây dựng hôn phối ổn định:
1/ Người giáo dân
Trước khi cử hành hôn phối, có điều tra hôn phối (Điều 1067) nhằm mục đích công bố cho cộng đoàn biết để cầu nguyện, đồng thời để báo cáo những ngăn trở cho Cha xứ biết trước khi cử hành hôn phối:
+ “Mọi tín hữu có bổn phận báo cáo lên Cha sở hay Bản quyền sở tại, trước khi cử hành hôn phối, những ngăn trở mà biết được” (x. Điều 1069).
+ Nhất là phải giải quyết những hôn nhân trong trường hợp nguy tử khấn cấp, cha sở biết rõ các ngăn trở hôn phối để có thể dùng năng quyền hầu giải quyết hôn phối trong những trường hợp nguy tử khẩn cấp như thế (x. Điều 1068, 1078; 1079).
2/ Cộng đoàn giáo xứ
Việc cưới hỏi không thuần túy của đôi hôn nhân hay của gia đình, hai tộc họ mà của cả giáo xứ. Vì vậy, trách nhiệm của từng thành viên giáo xứ cần đóng góp vào việc xây dựng đời sống lứa đôi và gia đình, bằng những công việc cụ thể:
1o Sống Đức tin, cầu nguyện và làm gương sáng nhiều lúc anh hùng trong đời sống gia đình cho thế hệ sau.
2o Bằng lời khôn ngoan giúp cho những người sắp bước vào đời sống hôn nhân biết sứ mạng thánh hóa môi trường trần thế là căn tính của người giáo dân. Đây là một hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho người sống đời hôn nhân ơn gọi riêng qua bí tích Hôn phối.
3o Giúp cho những gia đình đang gặp khó khăn vượt qua những thách đố họ đang gặp phải bằng đời sống bác ái, nâng đở từ vật chất đến tinh thần, nhất là tạo niềm tin tưởng cho đôi bạn biết hòa hợp trong thứ tha và quảng đại. (x. Cl. 3,12-17).
3/ Phụ huynh
Trách nhiệm xây dựng đời sống gia đình cho con cái, cha mẹ cần:
1o Cầu nguyện chung tối sớm trong gia đình giữa cha mẹ, con cái. Đọc và suy gẫm Kinh Thánh mỗi ngày trong giờ cầu nguyện và dành thời gian cần thiết để suy gẫm và xét mình.
2o Trong giờ kinh nguyện, cha mẹ cầu nguyện tự phát, trong đó san sẻ những lo âu, những trách nhiệm và những ước nguyện, đặc biệt đối với con cái.
3o Giáo dục con cái biết dùng thời gian, nhất là giúp con cái biết chọn lối sống nào cần thiết cho đời sống hạnh phúc lứa đôi, nhất là cần gạn lọc những lối sống tốt ra khỏi lối sống buông thả đang phô bày hỗn tạp trên phương tiện truyền thông đại chúng.
4o Thánh hóa ngày Chúa nhật, tạo điều kiện cho con cái theo học hỏi những khóa dự bị hôn nhân, cũng như tham gia những sinh hoạt tông đồ trong giáo xứ, đặc biệt hưởng ứng tĩnh tâm được tổ chức cho giới trẻ trong họ đạo.
4/ Giới trẻ.
1o Trong xã hội ngày nay, thanh niên có những hoàn cảnh sinh hoạt, những tập quán, các mối tương quan với gia đình hoàn toàn đổi mới. Họ thường đạt tới địa vị xã hội và một mức sống kinh tế khá cao, lối suy nghĩ khác biệt với giới phụ huynh.
2o Về phần thanh niên nam nữ biết duy trì lòng tôn kính và tin tưởng phụ huynh, biết giữ những bản sắc và nền luân lý đạo đức Á Đông như những gia sản mà những văn minh kỷ nghệ không có được.
3o Điều quan trọng, giới thanh niên nam nữ tự huấn luyện cho mình tinh thần trách nhiệm trong công việc, đối với gia đình, tổ tiên ông bà, với xã hội và Giáo hội, một tinh thần phục vụ con người, biết xử dụng khả năng và hướng dẫn lòng hăng say hoạt động của tuổi trẻ vào những công tác xã hội, xây dựng thế giới một nền văn mình tình thương, công bình và tốt đẹp hơn.
5/ Việc cưới hỏi.
1o Việt tổ chức cưới hỏi nên liệu sao cho đơn giản, tránh trốn kém, phô trương vô ích.
2o Chính ngày lễ cưới là ngày trọng đại nhất của đời đôi bạn. Cha mẹ, bà con, anh em bạn hữu hãy tới tham dự cho đông đảo, cho sốt sắng cầu nguyện cho đôi tân hôn được dư đầy ơn Chúa để sống cuộc đời hạnh phúc lứa đôi.
3o Trong việc hôn thú, giáo dân phải theo đúng luật lệ xã hội.
HẾT TẬP MỘT
Kontum năm 2015
Biên Soạn
Lm. GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN
.
 Kontum năm 2015
Biên Soạn
Lm.  GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN