Văn Phòng TGM xin kính chuyển đến Quý Cha và Quý Cộng Đoàn
bài viết của cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, lm Tổng Đại Diện Gp.
NỘI DUNG
GIÁO PHẬN KONTUM
GIÁO HẠT PLEIKU
Kính gời:
- Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận Kontum.
- Quý anh em Linh Mục trong Giáo Phận.
Con là linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, Tổng Đại Diện Giáo Phận Kontum, cha sở Giáo Xứ Thăng Thiên, Hiếu Đạo, Hiếu Nghĩa, Hiếu Đức, thuộc Giáo hạt Pleiku.
Năm nay con đã 74 tuổi, với 43 năm linh mục, gần 40 năm làm cha sở, hiện đang phụ trách giải quyết các đôi hôn phối khác Tôn Giáo trong tỉnh Gia Lai (mỗi năm có khoảng 400 đôi), và là người lập ra nhà mở nuôi các bà mẹ đơn thân.
Là một linh mục thường xuyên tiếp xúc với các đôi hôn nhân khác tôn giáo, các thiếu nữ lầm lỡ…..Con có những suy tư, ray rứt về những vấn đề đời sống gia đình trong Giáo Phận Kontum chúng ta, nhất là trong tỉnh Gia Lai.
Nhân dịp Giáo Phận học hỏi về tài liệu “Ơn Gọi và Sứ Mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay” của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.
Nhân dịp Đại Hội Về Gia Đình Thế Giới sắp tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳ năm 2015.
Con xin gởi đến Đức Cha cùng các anh em linh mục trong Giáo Phận, những vấn đề cảm thấy còn vướng mắc của các gia đình trong Giáo Phận. Con xin nêu lên để chúng ta tìm phương cách giúp đỡ, đồng hành với người giáo dân.
Đây chỉ là những suy tư mang tính cá nhân con, nên chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, xin Đức Cha và quý Cha trao đổi và góp ý để đem lại ích lợi cho đời sống gia đình.
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA GIA ĐÌNH
TẠI GIÁO PHẬN KONTUM
- Hôn nhân khác Tôn Giáo:
Công Giáo và Tôn Giáo khác; Công Giáo và Không Tôn Giáo.
a. Rửa tội cho con cái ? Tùy ý? Bắt buộc?
b. Trong đám cưới: Cử hành nghi thức Công Giáo và nghi thức của Tôn Giáo khác (Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài…) như thế nào?
c. Nghi thức cử hành Hôn Phối Khác Tôn Giáo: Trong Thánh lễ hay ngoài Thánh lễ? Quyền hạn của Đấng Bản Quyền.
d. Tiếp xúc đầu tiên với Giáo Hội Công Giáo của bên gia đình không có đạo (hoặc tôn giáo khác): Vai trò linh mục trong việc tiếp xúc này là rất quan trọng để gieo ấn tượng tốt ban đầu.
2. Vấn đề phá thai: Việt Nam có số ca phá thai nhiều nhất!
a. Phân tích rõ: Tội và Vạ. Ai có quyền giải quyết?
b. Ảnh hưởng tới gia đình khi phá thai:
- Sức khỏe người mẹ.
- Dằn vặt tâm lý khi sinh những đứa con sau.
- Mặc cảm phạm tội vì phá thai.
c. Hạnh phúc đích thực có được không, khi đã phá thai.
d. Cần rao truyền Ánh Sáng Chân Lý để đối phó với vấn đề phá thai: Ai là người phải thực hiện?
Vai trò của linh mục trong những vấn đề trên như thế nào?
3. Ly thân và Ly hôn.
a- Ly thân được Giáo Hội cho phép, nhưng không được pháp luật bảo vệ đối với người vợ (hoặc chồng).
b. Ly hôn không được Giáo Hội cho phép. Nhưng quyền lợi của người vợ (hoặc chồng) và con cái: Sức khỏe, tài sản, công việc…..chỉ được pháp luật bảo vệ khi đưa ra tòa để xin ly hôn?
c- Hôn nhân ngoài luật đạo: Ngăn trở không được nhận Bí Tích theo giáo luật, nhưng không hề ngăn trở đời sống đức tin. Ai giải thích cho những trường hợp này?
- Vấn đề Hôn Nhân không thành sự.
a.Tại Giáo Hội Việt Nam ? Được áp dụng chưa?
b. Tại các nước khác: Châu Âu, Mỹ….thực hiện như thế nào?
c. Quyền hạn của Giám Mục địa phương trong vấn đề này đến đâu?
5- Giáo lý Hôn Nhân.
a. Chương trình Giáo Lý Hôn Nhân: nội dung chương trình dành cho các đôi: Đạo và Đạo; Đạo và Khác Đạo; Đạo và Không Đạo, có được chuẩn bị đầy đủ không?
b. Vai trò của linh mục trong việc dạy Giáo lý Hôn Nhân.
c. Những trường hợp bỏ đạo, không sống đạo, nhưng đến lúc cưới hỏi thì đi học Giáo Lý Hôn Nhân vì lo sợ họ hàng, người thân không tham dự đám cưới! Phải làm gì?
d. Hiện tượng các đôi hôn nhân khác tôn giáo càng ngày càng nhiều hơn. Tại sao? Phải làm gì? Trách nhiệm ở ai? Linh mục phải làm gì?
6- Bảo Vệ Sự Sống: Những thiếu nữ lầm lỡ.
a. Tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ cho các bậc cha mẹ có con gái lỡ mang thai ngoài ý muốn giữ lại con mình. Vai trò linh mục?
b. Công khai trao đổi, học hỏi, đánh giá về: Danh giá của gia đình và mạng sống của con cháu mình!
c. Người thiếu nữ lầm lỡ cần gì? Tâm lý? Thông cảm? Giúp đỡ?
7- Đồng hành với các gia đình mới.
a. Ai có thể thực hiện:
- Gia đình?
- Linh mục, tu sĩ?
- Giáo xứ?
b. Tổ chức đồng hành như thế nào?
8- Vấn đề của gia đình đồng bào Thượng ở Giáo Phận Kontum.
a. Điều gì là quan trọng cho hạnh phúc gia đình của đồng bào Thượng?
b. Gia đình người Thượng quá đông con: Nuôi con, dạy dỗ con. Giáo Hội đồng hành như thế nào?
c. Hiện nay người Thượng có xu hướng phá thai theo kế hoạch của xã hội. Giáo Hội có làm gì trước vấn nạn này?
9- Vấn đề mục vụ di dân ở Giáo Phận Kontum.
a. Có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, vì đi làm ăn xa nên làm cho tình cảm vợ chồng càng ngày càng xa cách.
b. Ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái.
c. Ảnh hưởng đến đời sống đức tin.
d. Giáo Phận Kontum hôm nay quy tụ rất nhiều anh chị em từ các vùng miền khác nhau tụ về làm kinh tế, họ không thuộc vào bất kỳ một Giáo xứ nào. Ai là người có trách nhiệm trong việc này? nhất là ở tỉnh Gia lai.
e. Nên chăng có một ban chuyên trách cho vấn đề Mục Vụ Di Dân? Nên có tổ chức thế nào?
“Giáo Hội là Mẹ và là Thầy” (Mater et Magistra)
Rất mong được sự góp ý và trao đổi.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta
Thăng Thiên, ngày 19 tháng 3 năm 2015
Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông
GPKONTUM (28/03/2015) KONTUM