* Ðức Thánh Cha kêu gọi mỗi giáo xứ đón nhận 1 gia đình tị nạn

Ðức Thánh Cha kêu gọi
mỗi giáo xứ đón nhận 1 gia đình tị nạn

Ðức Thánh Cha kêu gọi mỗi giáo xứ đón nhận 1 gia đình tị nạn.
Vatican (Vat. 6-09-2015) - Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 6 tháng 9 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, đan viện, đền thánh ở Âu Châu hãy đón nhận một gia đình tị nạn, như giáo phận Roma và cả Vatican cũng làm.
Trong bài huấn dụ ngắn trước hơn 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 23 thường niên, thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa người câm điếc, "biểu tượng của một người không tín ngưỡng hành trình tiến về đức tin", và sau khi ban phép lành ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây.

Huấn dụ của Ðức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng hôm nay (Mc 7,31-37) kể lại Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc, một biến cố lạ lùng chứng tỏ cách thức Chúa Giêsu tái lập sự đả thông trọn vẹn giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân. Phép lạ này diễn ra trong khung cảnh vùng Thập Tỉnh, nghĩa là ngay trong vùng đất của dân ngoại; vì thế người câm điếc ấy được dẫn đến Chúa Giêsu tượng trưng cho người không tín ngưỡng đang thực hiện một hành trình tiến về đức tin. Thực vậy, bệnh điếc của anh ta biểu lộ sự thiếu khả năng lắng nghe và hiểu không những lời con người, nhưng cả Lời Chúa nữa. Và thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng "Ðức tin nảy sinh từ sự lắng nghe lời giảng" (Rm 10,17).
Ðiều đầu tiên mà Chúa Giêsu làm, là đưa người ấy ra xa khỏi đám đông: Chúa không muốn quảng cáo cử chỉ Ngài sắp thực hiện, và cũng chẳng muốn lời của Ngài bị lấn át vì những tiếng ồn ào huyên náo truyện trò của khung cảnh chung quanh. Lời mà Chúa Kitô thông truyền cho chúng ta cần sự thinh lặng để được lắng nghe như Lời chữa lành, hòa giải, tái lập sự cảm thông".
Rồi có hai cử chỉ của Chúa Giêsu được làm nổi bật: Ngài động chạm đến đôi tai và lưỡi của người bị "bế tắc" trong sự đả thông, và Ngài khẩn cầu phép lạ từ trên cao, từ Chúa Cha; vì thế Ngài ngước mắt lên trời và truyền: 'Hãy mở ra!". Và tai người điếc mở ra, giây ràng buộc lưỡi của anh cũng được tháo cải và anh bắt đầu nói đúng (cfr v.35).
Ðức Thánh Cha nói: "giáo huấn mà chúng ta rút ra từ giai thoại này là "Thiên Chúa không khép kín nơi mình, nhưng cởi mở và đả thông với nhân loại. Trong lượng từ bi vô biên của Ngài, Ngài vượt lên trên vực thẳm của sự khác biệt vô biên giữa Ngài và chúng ta, và đến gặp chúng ta. Ðể thực hiện sự đả thông ấy với con người, Thiên Chúa đã làm người: đối với Chúa, nói qua lề luật và ngôn sứ mà thôi vẫn chưa đủ, Ngài còn hiện diện nơi người Con của Ngài là Lời nhập thể làm người. Chúa Giêsu là nhà "đại bắc cầu", kiến tạo nơi mình chiếc cầu lớn của tình hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha.
Nhưng bài Tin Mừng này cũng nói về chúng ta: "Nhiều khi chúng ta co cụm và khép kín vào mình, và chúng ta tạo ra bao nhiêu hòn đảo không tới được và đầy chướng khí. Thậm chí các quan hệ sơ đẳng nhất giữa con người đôi khi cũng tạo nên những thực tại không có khả năng cởi mở đối với nhau: vợ chồng khép kín với nhau, gia đình, các nhóm giáo xứ, và cả đất nước cũng khép kín.. và điều này không phải là của Thiên Chúa. Nó là của chúng ta, là tội lỗi của chúng ta".
"Nơi căn cội đời sống Kitô của chúng ta, trong phép rửa tội, có cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu: "Effata! Hãy mở ra!". Và phép lạ được hoàn thành: chúng ta được chữa lành khỏi bệnh điếc của ích kỷ, và bệnh câm của sự khép kín và tội lỗi, và chúng ta được tháp nhập vào đại gia đình của Giáo hội; chúng ta có thể lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta và thông truyền Lời Chúa cho những người không bao giờ được nghe, hoặc cho những người đã quên lãng hay chôn vùi Lời ấy dưới những gai góc của lo âu và lừa đảo của thế gian.
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Chúng ta hãy cầu xin Ðức Trinh Nữ Thánh là người phụ nữ lắng nghe và vui mừng làm chứng, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm tuyên xưng niềm tin của chúng ta và thông truyền những kỳ công của Chúa cho những người chúng ta gặp trên đường đời".
Kêu gọi
Sau khi ban phép lành, Ðức Thánh Cha nói thêm rằng:
"Anh chị em thân mến, người ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua các việc làm của chúng ta, như cuộc sống của chân phước Mẹ Têrêsa Calcutta mà chúng ta tưởng niệm ngày qua đời hôm 5 tháng 9 này.
Ðứng trước thảm trạng hàng chục ngàn người tị nạn trốn chạy cái chết vì chiến tranh và đói và họ đang hành trình tiến về cuộc sống hy vọng, Tin Mừng kêu gọi chúng ta, yêu cầu chúng ta hãy trở thành "những người thân cận của những ngừơi bé nhỏ nhất và bị bỏ rơi, mang lại cho họ một niềm hy vọng cụ thể. Nếu chỉ nói "Can đảm lên, hãy kiên nhẫn!.." mà thôi thì chưa đủ. Niềm hy vọng Kitô có sức phấn đấu, với sự kiên trì của người đang tiến về một mục tiêu chắc chắn. Vì thế, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp đến gần, tôi kêu gọi các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và Ðền thành ở toàn Âu Châu hãy biểu lộ sự cụ thể của Tin Mừng và đón tiếp một gia đình tị nạn. Ðó là một cử chỉ cụ thể để chuẩn bị cho Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi đan viện, mỗi đền thánh ở Âu Châu hãy tiếp nhận một gia đình, bắt đầu từ giáo phận Roma của tôi.
Tôi ngỏ lời với các anh em Giám Mục Âu Châu của tôi, là những chủ chăn đích thực, để các vị hỗ trợ lời kêu gọi này của tôi trong các giáo phận của các vị, nhớ rằng Lòng Thương Xót là danh xưng thứ hai của Tình Yêu: "Tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là các con làm cho Thầy" (Mt 25,40).
Cả hai giáo xứ ở Vatican cũng sẽ đón nhận 2 gia đình tị nạn trong những ngày này.
Ðức Thánh Cha cũng nói bằng tiếng Tây Ban nha để kêu gọi hòa bình giữa hai nước Venezuela và Colombia. Ngài nói:
"Trong những ngàynày, các Giám Mục Venezuela và Colombia đã nhóm họp để cùng cứu xét tình cảnh đau thương xảy ra ở biên giới hai nước. Tôi thấy trong cuộc gặp gỡ này một dấu hiệu hy vọng rõ ràng. Tôi mời gọi tất cả, đặc biệt là hai dân tộc yêu quí, Venezuela và Colombia, hãy cầu nguyện để với tinh thần liên đới và huynh đệ, có thể khắc phục những khó khăn hiện nay".
Ðức Thánh Cha cũng nhắc lại sự kiện:
"Hôm qua, ở thành Girona bên Tây Ban Nha, có 3 nữ tu được tôn phong chân phước, Fidelia Oller, Giuseppa Monrabal và Feconda Margenat, thuộc dòng thánh Giuse ở Girona, bị giết vì lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội. Mặc dù bị ngăm đe dọa nạt, các phụ nữ ấy vẫn can đảm ở lại nhiệm sở để săn sóc các bệnh nhân trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Ước gì chứng tá anh dũng của các chị, cho đến độ đổ máu đào, mang lại sức mạnh và hy vọng cho bao nhiêu người ngày nay đang bị bách hại vì đức tin Kitô. Và chúng ta biết rằng họ rất đông đảo.
Sau cùng, Ðức Thánh Cha chào thăm các nhóm tín hữu hành hương, và ngài đặc biệt nghĩ đến các cuộc tranh tài thể thao Phi châu lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Brazzaville, thủ đô Congo, từ hai ngày nay với sự tham dự của hàng ngàn vận động viên thuộc đại lục này. Tôi cầu chúc đại lễ thể thao này góp phần vào hòa bình, tình huynh đệ và sự phát triển tất cả các nước Phi châu. Chúng ta hãy chào thăm những người Phi châu đang tham dự Vận hội thể thao thứ 11 này.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)